Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Tôn Tử binh pháp ( phần 5)

Thiên 12 Hỏa công

Tôn Tử nói:

Có năm cách đánh bằng lửa:

-Thứ nhất là đốt dinh trại để giết người;

-Thứ hai là đốt lương thảo tích trữ;

-Thứ ba là đốt xe cộ;

-Thứ tư là kho lẫm;

-Thứ năm là đốt đội ngũ để làm giặc rối loạn.

Muốn dùng hoả công, phải có nhân duyên, các hoả khí phải cụu bị sẵn sàng.

Muốn phóng hoả phải chờ thời tiết, muốn châm lửa phải chọn ngày.

Thời tiết thuận lợi là khí trời nắng ráo.

Ngày thuận lơị là ngày mà mặt trăng ở lại trong các sao Cơ, bích, Dực,Chẩn. Những ngày mặt trăng ở lại trong các sao ấy là những ngày nổi gió.

Khi dùng hoả công, phải biết ứng biến tuỳ theo năm trường hợp phóng hoả:

-Lửa cháy ở bên trong thì gấp tiếp ứng ở bên ngoài;

-Lửa cháy rồi nhưng binh địch vẫn yên lặng, hãy chờ xem mà chớ vội đánh;

-Khi lửa cháy to, vào được thì vào, không vào được thì thôi;

- Lửa đã cháy được ở ngoài, thì không cần nội ứng, lựa dịp thuận lợi mà đánh vào.

-Lửa cháy ở trên luồng gió thì chớ ở dưới luồng gió đánh lên.

-Ban ngày có gió nhiều, thì ban đêm không có gió.

Nhà binh phải biết năm trường hợp phát hỏa ấy và phải tính toán ngày giờ, phương hướng để mà giữ gìn.

Dùng lửa để trợ giúp vào sự tấn công thì sáng sủa dễ thấy, dùng nước để trợ giúp vào sự tấn công thì được mạnh thế hơn. Nước có thể dung để ngăn chặn, chớ không thể dùng để chiếm đoạt.

Đánh thì thắng, giành thì lấy được, mà không tưởng thưởng công lao của sĩ tốt, đó là một điều nguy hại, như thế chỉ ở lại đất địch tiêu phí tiền một cách vô ích. Cho nên Vua sáng phải lo tính điều ấy, tướng tài phải sắt đặt việc ấy.

Không thấy lợi thì đừng dấy binh, không nguy khốn thì đừng đánh.

Nhà vua không nên vì giận giữ mà dấy binh, tướng không nên vì oán hờn mà gây chiến. thấy có ích lợi cho nước nhà thì dấy binh, không thấy ích lợi thì thôi.

Đã giận có thể mừng trở lại, đã hờn có thể vui trở lại; nước mất rồi thì khó lấy lại người chết rồi thì không thể sống lại.

Cho nên vua sáng phải cẩn thận về việc ấy, tướng tài phải cảnh giác về điều ấy, đó là phép yêu nước, giữ binh được vẹn toàn.

Thiên 13 Dùng gián điệp

Tôn Tử nói:

Phàm dấy binh mười vạn, đi xa ngàn dặm, tính chung các phí tổn của trăm họ, sự cung phụng của các nhà công. mỗi ngày lên tới ngàn lạng vàng; trong ngoài phải náo động, nhân dân chịu vất vả vì việc phu dịch ở dọc đường, bỏ bê công việc làm ăn, lên tới bảy mươi vạn nhà.

Kéo dài đến nhiều năm để tranh thắng lợi trong một ngày,mà lại không dám ban tước lộc,không dám thưởng trăm lạng vàng để dùng gián điệp, đến nỗi không biết tình hình quân địch, đó là hạng người hết sức bất nhân: người ấy chẳng đáng làm chủ tướng cuả mọi người, chẳng đáng làm tôi phò chúa,không thể làm chủ đựơc sự thắng lợi vậy!

Cho nên các bậc vua sáng tướng tài, sở dĩ dấy binh thắng địch, thành công hơn người, đó là nhờ biêt trước vậy.

Biết trước đây, không phải nhờ quỷ thần mách bảo, không phải nhờ so sánh các việc tương tự mà tìm biết được, phải nhờ người mà biết được tình hình của quân địch.

Dùng gián điêp thì có năm loại:

- Nhân gián( hương gián )

- Tử gián

- Nội gián;

- Sinh gián

- Phản gián.

Khi năm hạng gián điệp ấy cùng khởi sự, không ai biết được các đường lối dò xét hiểm hóc của họ như thế mới là thần bí, đáng gọi là vật báu của vua loài người vậy.

Nhân gián, là nhân lấy người làng bên nước địch để dùng làm gián điệp.

Nội gián là nhân lấy quan lại của địch để dùng làm gián điệp.

Phản gián là nhân lấy gián điệp của địch để dùng làm gián điệp cho mình.

Tử gián là ta phô trương các vật trả giá ngoài, báo cho gián điệp của ta biết để truyền tin cho địch;

Sinh gián là hạng gián điệp trở về được để báo cáo tình hình.

Trong ba quân, xét chung những người thân thiết với tướng suý thì không ai thân thiết cho bằng gián điệp,xét chung những kẻ được thưởng thì không ai được thưởng nhiều cho bằng gián điệp, xét chung các việc bí mật thì không việc nào bí mật cho bằng gián điệp.

Không phải là bậc thánh trí thì không dùng được gián điệp, không phải là bậc nhân

nghĩa thì không sai khiến được gián điệp,không tinh vi khéo léo thì không biết được thực tình nhờ gián điệp

Vi diệu thay! Vi diệu thay! Không có việc gì mà không dùng gián điệp.

Gián điệp của địch chưa do thám ta xong mà ta nghe biết trước rồi, thì gián điệp của địch và kẻ cáo giác cho ta biết đều phải giết chết.

Khi muốn đánh quân nào, đều phải biết rõ người tướng trấn giữ, các người thân tín của người tướng, người tiếp khách, người gác cửa, người giữ nhà(quản gia), tên họ của từng người, đều phải kiếm gián điệp của ta tìm tòi mà biết cho đủ.

Tìm cho ra gián điệp mà địch sai tới do thám ta, lấy điều lợi mà dụ dỗ họ, dẫn dắt họ, cho họ ăn ở: như thế có thể dùng họ làm phản gián cho ta được.

Nhờ họ làm phản gián mà ta biết tình hình của nước địch, do đó kiếm được hương gián và nội gián bên nước địch để mà lợi dụng.

Nhân sự phản gián mà biết địch hình, cho nên khiến tử gián bày đặt việc dối trá để đến cáo giác với quân địch.

Nhân sự phản gián mà biết địch tình, cho nên có thể sai phái sinh gián đi về đúng kì hạn.

Năm việc gián điệp nói trên, nhà vua phải biết đủ.

Biết đủ là nhờ ở phản gián, cho nên phản gián không thể không hậu đãi. Ngày xưa khi nhà Ân khởi nghĩa thì ông Y Doãn ở bên đất nhà Hạ để dò xét; khi nhà Chu khởi nghĩa thì ông Lã Vọng ở bên đất nhà Ân dò xét. Chỉ bậc vua sáng, tướng tài mới có thể dùng bậc Thượng Trí làm gán điệp nên đều thành công lớn. đó là điều cốt yếu của việc binh bị, ba quân nhờ cậy vào đó mà hành động.
+
Tôn Tử binh pháp
+ Tôn Tử binh pháp ( phần 2 )
+ Tôn Tử binh pháp ( phần 3)
+ Tôn Tử binh pháp ( phần 4)
+ Tôn Tử binh pháp ( phần 5)

Không có nhận xét nào: