Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm linh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm linh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Theo dấu chân

Dò dẫm lần theo bóng hạt vừng,
Đại Tiên đi trước, đệ theo chân,
Người đâu chẳng thấy, vừng ai vãi,
Mỗi hạt mọc trên một dấu chân;
Chi ma (*) bách cổn thủy độ nhân,
Dò dẫm lần theo kẻo hụt chân,
Độ mình không xong, mong ai độ;
Kiếp này may mắn gặp Thánh nhân.

NNH (Hà Đông, 11/09/2018)

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Lý giải ý nghĩa thắp ba nén hương

Tại sao khi thắp hương thường sử dụng ba nén? Khi lập bát hương thường có cốt. Xin hỏi cốt này bao gồm những thành phần gì? Đặng Văn Tuất (Phú Thọ).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
Khi lập bát hương, gia chủ lên chùa lễ phật xin cốt bát hương. Cốt bát hương gồm có thần chủ viết bằng chữ Hán và một gói thất bảo tức bảy vật báu gồm vàng, bạc, lưu ly, mã não, sa cừ, phục linh và san hô. Nhà bình dân có thể thay gói thất bảo bằng một gói giấy trang kim ngũ sắc. Cốt bát hương đặt sát thành trong bát hương.
Theo Kiến thức

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

Phải gió anh tồng ngồng

Trần truồng đứng đó trần truồng trông,
Hỡi kẻ quần hồng ấm ức không?
Mắt biếc long lanh đôi hạt lệ,
Phải gió nhà anh đứng tồng ngồng.

Cái miệng anh cười có duyên không,
Áo quần đâu cả đứng gãi mông.
Quần hồng hờn giận không quay lại,
Phải gió nhà anh cứ tồng ngồng.

Trần truồng bước vào chốn hư không,
Thất tình, lục dục giữ trong lòng,
Thất phu nheo mắt cười giả lả,
Thất tình, lục dục bán hay không?

Luyện Tính, tu Tâm đáng mấy đồng,
Để mà cố gắng, để khổ công;
Mất rồi lại được, rồi lại mất,
Trần truồng ra cả đáng hay không?

Trần truồng đứng đó trần truồng trông,
Hỡi kẻ quần hồng thấu cho chăng,
Trong cõi hư vô đâu là thực,
Có quần khác chi kẻ tồng ngồng?

Trần truồng có thấy trần truồng không?
Thấy hay không thấy ở trong lòng,
Thất tình, lục dục đem vứt bỏ,
Thực - hư, hư - thực, có như không.

Trần truồng còn thấy trần truồng không?
Mắt huyền ướt lệ giữa cô phòng,
Xin đôi hạt lệ làm gương ngắm,
Hạt này còn áo, hạt kia không.

Trần truồng đứng đó để mà trông...

Ngọc Hùng - 28/09/2006

Ngộ

Chẳng nghĩ thì chẳng biết qua,
Nghĩ rồi thì thấy hoá ra tầm thường;
Nghĩ nhiều dở dở, ương ương,
Không nghĩ, thói thường chả biết cái chi.
Vô tình đếm bước chân đi,
Thực - hư, hư - thực vẫn khi xưa làm;
Chợt thấy én chở Xuân sang,
Chợt thấy mơ màng, chợt thấy vắng không.
Bao nhiêu suy nghĩ mông lung,
Bao nhiêu khát vọng tan cùng hư vô;
Bao nhiêu mong nhớ, đợi chờ,
Bao nhiêu tiếc nuối bây giờ cũng tan.

Giữa sông một chiếc thuyền nan,
Trôi theo dòng nước, miên man về nguồn.

NNH

Lý còn Lý không?

Cái miệng cứ toét ra cười
Cái mặt cứ xị chẳng tươi tí nào
Đúng sai, sai đúng thì sao
Xé sách ai bảo đó là người đâu
Bước chân vào chốn thâm sâu
Giật mình bừng - tỉnh cưỡng cầu lâu nay
Đến khi sự thật phơi bày
Lý chả có gì, còn lại mình thôi
Lý của vũ trụ không lời
Nói ra Lý rồi, Lý còn Lý không?

Loạn

Thiên loạn là chữ thiên tai,
Nhân loạn là bởi Tâm ngoài xác thân.
Địa tinh rối loạn muôn phần,
Là do địa phủ tranh giành miếng ăn,
Chỉ lo giành giật cho nhanh,
Y như lũ trẻ tranh ăn thủa nào.
Liễm Thần, vô niệm xem sao,
Thiên-Nhân-Địa cũng không ngoài chữ Vô,
Nhìn ra cuộc sống xô bồ,
Tâm không lay động, Thần không mơ màng.
Ngàn hoa chào đón Xuân sang,
Chào Đông; Đông nhé. Xuân sang đây rồi.
Ở lại đây nhé Xuân ơi,
Cỏ cây, hoa lá vui cười đón Xuân,
Chim muông tụ hội quây quần,
Chim ca, cá lượn muôn phần đẹp tươi,
Chờ mong đón một tiếng cười...

(Ngọc Hùng - 06/09/2006)

Ta là ai ? Khi ta chào đời ai là ta ?

Ta là ai ? biết hỏi ai đây nhỉ ?
Khi chào đời thì ai đã là Ta ?
Kể từ khi Ta được Mẹ sinh ra,
Là biết khổ, biết yêu và biết hận .

Từ thủa bé trong hàn vi lận đận ;
Ta đã đi, đi tìm lại chính Ta,
Nhưng tìm mãi, tìm mãi vẫn không ra,
Ta là ai ? hay ai là Ta nhỉ ?

Thân xác này vốn từ đâu mà có ?
Linh hồn này liệu có trước khi sinh ?
Ngày thì Ta tắm bằng nắng bình minh,
Khi đêm đến nuốt muôn vàn tinh tú.

Trải bao phen ngất ngây hay cực khổ,
Tim xốn sang chẳng làm chủ được mình,
Lửa Tam muội như ngàn vạn hùng binh,
Thiêu gân, cốt dồn ta vào địa ngục.

Ở trong ta đủ thất tình, lục dục,
Vốn sinh ra nó đã có sẵn rồi,
Áp chế nó hay bỏ mặc buông xuôi ?
Thuận theo nó hay nó theo ta nhỉ ?

Nó là ta hay ta là chính nó ?
Có hay không nó - ta hay cả hai ?
Nếu là không sao ta có hình hài ?
Nếu là có thì đâu ra mà có ?

Ta cũng muốn trở về thời trẻ nhỏ ;
Thoạt lúc buồn, rồi sẽ lại thành vui,
Chẳng bao giờ lòng thổn thức ngậm ngùi,
Hay thù hận dâng tràn trên khoé mắt.

Như con ong cần cù đi kiếm mật,
Ta hàng ngày đi tìm kiếm chính ta,
Rồi một ngày thiên quan đã mở ra,
Ta với Đạo đã hoà vào làm một.

Ta là Đạo, mà cũng không là Đạo,
Đạo là ta, mà cũng chẳng là ta,
Ta với Đạo vốn cùng gốc sinh ra,
Là hư ảo, cũng chẳng là hư ảo.

Ta có trước ? hay là Đạo có trước ?
Có ta không ? hay là có Đạo không ?
Ta nói có, rồi ta lại bảo không,
Chẳng phải thật, mà cũng không là dối.

Ta hiện hữu, mà cũng không hiện hữu,
Ta là ta, mà cũng chẳng phải ta,
Ta chẳng mất mà cũng chẳng sinh ra,
Ta đắc Ngộ mà cũng không đắc Ngộ.

( Ngọc Hùng - 25/03/2004 )