Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Lý giải ý nghĩa thắp ba nén hương

Tại sao khi thắp hương thường sử dụng ba nén? Khi lập bát hương thường có cốt. Xin hỏi cốt này bao gồm những thành phần gì? Đặng Văn Tuất (Phú Thọ).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
Khi lập bát hương, gia chủ lên chùa lễ phật xin cốt bát hương. Cốt bát hương gồm có thần chủ viết bằng chữ Hán và một gói thất bảo tức bảy vật báu gồm vàng, bạc, lưu ly, mã não, sa cừ, phục linh và san hô. Nhà bình dân có thể thay gói thất bảo bằng một gói giấy trang kim ngũ sắc. Cốt bát hương đặt sát thành trong bát hương.
Theo Kiến thức

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Tụng kinh

Này Cỏ May! Tụng kinh là để không tụng.
Kinh hữu tướng là phương tiện dẫn đến kinh vô tướng. Kinh hữu tự là phương tiện dẫn đến kinh vô tự.
Ngã tụng kinh hữu tự là phương tiện thiện xảo của Như Lai để dẫn đến vô ngã hành trì vô tự kinh:
-         Này Cỏ May!. . . .Đèn, hương, hoa quả, cúng dường tam bảo là phương tiện thiện xảo dẫn đến vô ngã cúng dường cho chúng sanh trong các cõi. Dẫn đến bố thí ba la mật!. . . .Bởi thân xác hữu lậu của chúng sanh rốt ráo chính là bàn thờ tam bảo với Phật tánh ở bên trong.
-         Nén hương hữu tướng đốt trên tam bảo là phương tiện thiện xảo dẫn đến nén tâm hương ông vẫn cúng dường cho Phật tánh ẩn tàng trong pháp giới!. . . .
-         Quì lạy Như Lai là phương tiện thiện xảo dẫn đến tâm khiêm cung đảnh lễ mọi chúng sanh vì Phật tánh đang biểu thị nơi họ!. . . .
-         Cơ thể trang nghiêm thanh tịnh, tâm chánh định tỉnh giác khi tụng kinh là phương tiện thiện xảo của Như lai để dẫn đến giới tự giữ, luôn thuận tự nhiên, tuỳ duyên hiển tướng và phản ảnh như thị sự vật!. . . Đó chính là trì giới ba la mật!. . . .
-         Này Cỏ May!. . .Dù nắng dù mưa, chẳng nệ trưa chiều sớm tối, xuân hạ thu đông, chẳng kể có việc buồn hay vui. . . .ông đều tinh tấn công phu không bao giờ lỡ hẹn với Như Lai!. . . .Đó cũng là phương tiện thiện xảo của ba đời chư Phật dẫn đến việc tu học và hành đạo không phải là môt lý tưởng để đeo đuổi mà như là bản chất của đời ông. . .là máu thịt của đời ông. . . .Tự nhiên nó phải vậy chẳng cần cố gắng !. . . Mô Phật!. . .Đó cũng chính là tinh tấn ba la mật!. . . .
-         Khi được xã hội đề cao xiển dương hay lúc bị chê bai ruồng bỏ nhiều tai tiếng thị phi. . .dù thành công hay thất bại. . .dù nhục hay vinh. . . .Ông vẫn một lòng tri tụng đúng nghi thức. . .vẫn một lòng hành trì đúng giới hạnh. . . .Mô Phật đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như lai để dẫn đến trạng thái rỗng không tự tại đầy nhận biết. . .sự việc đến rồi đi như gió thổi nhà trống như lửa cháy khoảng không. . .Niềm vui không nguyên nhân khiến nụ cười không bao giờ tắt trên môi!. . . .Này Cỏ May!. . .Đó chẳng phải là nhẫn nhục ba la mật sao?!. . .
-         Tụng kinh đúng nghi thức, khoan thai, rõ ràng , từ tốn, âm điệu hợp lý cũng chính là chánh ngữ và ái ngử. Nó là phương tiện thiện xảo của Như Lai để dẫn đến lời nói và hành động trong cuộc sống vô ngã tức thời tức khắc phi khái niệm. . . .Mô Phật! Đó cũng chính là thiền định ba la mật!. . . .
-         Này Cỏ May!. . .Bởi đặt niềm tin vào Như lai và chư Bồ Tát là những người đã chứng ngộ mà ông y kinh điển phụng trì và sống theo. Bởi tin tưởng chư tăng là những người con Phật đã thông tình đạt lý mà ông nghe theo lời chỉ dạy của các ngài để liễu nghĩa kinh điển của Như lai. . . .Bởi biết mình còn tâm trí nên ông nhìn đời qua giới luật của Như Lai mà không phán xét!. . . .Nhờ vậy mà ông hoà hợp được với mọi người. . .có trí huệ và hữu dụng cho mình cho gia đình và cho xã hội!. . . .Thế nhưng đây cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai để dẫn đến cái tự nhiên biết của vô ngã. . .cái biết phi khái niệm. . . .như thị. . . . đi liền với hành động tức thời không chần chừ do dự của vô tác. . . .Mô Phật!. . .Đó chính là trí huệ ba la mật vậy!. . . .
Mô Phật!. . .Đối với ta kinh nghiệm lớn nhất trong đời là:
Làm gì ta cũng thấy như đang trong thời tụng kinh trước bàn thờ tam bảo, với Như Lai đang yên lặng mỉm cười trên cao:

-         Khi nói với mọi người ta thật tình xem như đang tụng kinh!. . .
-         Khi làm việc gì ta cũng xem như là nghi thức khi đang tụng kinh!
-         Tình cảm của ta đối với mọi người mọi cảnh vật chim muông thú vật cũng như lòng yêu mến kính trọng của ta đối với Như lai khi đang tụng kinh!. . . .
-         Ta nương theo lẽ đời để sống cũng giống như nương theo lý kinh để hành trì vậy!. . . .

Mô Phật!. . .ta vốn là người vô học nơi xó núi, ngoài lúc lao động kiếm sống chỉ biết có thú vui uống trà!. . . .
Ông đã có lòng hỏi, ta đã thật tình vì ông và những bạn uống trà của mình mà nói. . . .
Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy!. . . .Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài giảng dạy cho rồi nói lại để ta cùng học với! . . . .

Tưởng Vậy/12/8/2006

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/t-ng-kinh.aspx

Vô tự kinh

-Tu đi, chết lên niết bàn. -Sống còn không lên được huống hồ là chết!
-          Chết là chết cái tôi ngã mạn. Còn sống là lẽ đương nhiên của  cái tự nhiên biết.
-          Thật không?!
-          Nghi ngờ cả kinh điển của cổ đức sao?
-          Kinh sách đều do con người viết ra, mà niết bàn là nơi chẳng có con người.
-          Kinh vô tự chẳng do tâm trí con người viết ra. Còn niết bàn là nơi chẳng còn gì nhưng cái gì cũng từ đây hiển thị.
-          Thế nào là kinh vô tự?
-          Chư Phật hộ niệm sở thuyết kinh.
-          Có người hộ có người niệm là còn tâm trí nhị nguyên chưa phải rốt ráo?
-          Hộ niệm thật sự thì không có người hộ cũng chẳng có người niệm. Bởi có người hộ có người niệm thì thuộc về đa thần giáo chẳng phải Phật đạo.
-          Làm sao thể nhập cái " vô tự kinh" này?
-          Không có hành động thể nhập khắc tự thể nhập.
-          Thế là tự nhiên sao?
-          Không phải vậy! Thanh tịnh thân tâm thì tiến dần đến cái yên lặng cùng cực. Đến cùng cực rồi mà chẳng cố ý dừng thì lọt vào chỗ tinh tuý trung tâm của vạn pháp gọi là "pháp hoa". Khi ấy hương sắc của đoá hoa thanh tịnh ấy tự hiển thị gọi là "hộ niệm".
-          Xin cho một thí dụ?
-          Mùa hạ về, đầm sen nở hoa! . . .Trong cái hoa này có cái nồng ấm của nắng mới, có cái màu xanh ngăn ngắt của bầu trời lộng gió, có cái mát mẻ của cơm mưa rào đầu mùa, có tiếng cười trẻ thơ, có tiếng chuông chùa ngân nga trong ấy! . . . Ông không thấy sao? Nếu có mầm sen thì hạ về hoa khắc tự nở! . . .hộ niệm là vậy! . . .sở thuyết kinh là vậy! . . .
-          Mô Phật! . . .
-          Xin mời dùng trà sen! . . .
-          Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện hôm nay
-          Mô Phật! Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin ông hỏi các vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với! . . .

                                              TƯỞNG VẬY/26/9/2004

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/v-244-t-kinh.aspx

Y pháp bất y nhân

- Chào cụ Tưởng Vậy - Chào chú Ba Gàn - Thưa cụ thế nào là "Y pháp bất y nhân"? - Này chú Ba, không có việc ấy đâu? - Đó chẳng phải là lời dạy của Như Lai và chư Tổ sao? - Đúng vậy, nhưng nay đại bộ phận người tu chưa hiểu, đó chỉ là phương tiện khéo của các ngài, chứ thật sự không có việc ấy? - Tại sao vậy?
-    Vì người đã gọi là "Thầy" thì phải chứng thực pháp. Nghĩa là "lý và sự" phải viên thông. Nhiên hậu mới hướng dẫn người khác tu tập được. Bởi vậy, người đã được chúng sanh gọi là "Thầy" nhất thiết chẳng những thuyết giảng được pháp ấy, mà còn có cách sống biểu thị minh họa cho pháp mình đang giảng dạy để đệ tử nhìn vào đấy mà y theo. Nên "Pháp" tức là "Nhân", Thầy chính là "pháp sống". Chứ không thể có việc người Thầy nói một đàng mà cách sống thực tế lại đi ngược điều mình giảng dạy được. Vì như vậy chứng tỏ mình chỉ lý thuyết suông chứ thực tế thì chưa chứng được "Pháp" ấy.
-    Thế tại sao chư Tổ lại dạy rằng: "Y pháp bất y nhân"?
-    Đó là vì người học đạo còn trụ vào tâm trí và thường ngã mạn. Họ đến chẳng những để học đạo mà còn làm quan tòa phán xét Thầy mình theo các tiêu chuẩn có sẵn trong đầu. Để xem Thầy mình tốt hay xấu? Đạo đức hay không đạo đức? Trí huệ hay không trí huệ? Lẽ dĩ nhiên theo cách hiểu tâm trí của họ.
Và điều ấy làm họ tự chặt mất sợi dây đồng cảm với Thầy mình. Khiến họ sẽ hiểu nhầm lời giảng, bài viết và các thiền cơ của minh sư họ. Cho nên họ sẽ chỉ nhận được các pháp hữu tướng và thường chỉ là phương tiện khéo của thầy họ chứ thực pháp thì cần có con tim đồng cảm mà họ đã tự đánh mất từ lâu rồi!
Vả lại người đã được gọi là "Thầy" thì bao giờ cũng có bí pháp, hay các pháp tối thượng. Trước khi truyền trao các pháp tối thượng ấy, người thầy thường thử thách học trò mình rất khắc nghiệt để thật sự biết rằng người trò đã thực sự phi tâm trí thì mới truyền trao. Đó là vì Như Lai đã dạy trong kinh Pháp Vũ:
   "Pháp tối thượng thừa như một cơn mưa lớn, chỉ có lợi cho cây đại thụ. Cỏ và hoa sẽ dập nát."
Bởi vậy mà người Thầy cần phải biết học trò mình là cỏ hay tuy đẹp và có mùi thơm nhưng chỉ là cành hoa yếu đuối chỉ phù hợp với các pháp tiểu thừa. Hay thực sự là một cây đại thụ. Trước khi ngài truyền trao pháp bảo bằng đại pháp vũ nghĩa là cơn mưa lớn của Như Lai.
Mô Phật, nếu người học trò trong cơn thử thách lại đem tâm trí để phán xét các phương tiện khéo hoặc nghịch pháp của Thầy mình giả tướng, thì thế nào cũng bị tâm ngã mạn làm xa đường đạo. Bởi vậy "Y pháp bất y nhân" có nghĩa là người học trò do chưa đủ trí huệ và chưa chứng thiền nên không đủ trình độ để phán xét Thầy mình được, mà phải cứ y theo pháp của ngài dạy nhất tâm tu tập chứ đừng dùng tâm trí để bị các giả tướng lôi đi.
-    Thưa cụ như vậy câu "Y pháp bất y nhân" không có nghĩa là dù ông Thầy mình xấu không đủ tư cách và đạo hạnh, nhưng thôi mình chả cần, cứ y theo lời giảng của ổng mà tu tập thì rồi cũng giác ngộ thành Phật, vì là pháp của Phật chứ pháp gì của ông ấy?
-    Mô Phật, đúng vậy. Đó là một thái độ ngã mạn và ngu muội. Vì tự mình cắt đi sợi dây tâm linh nối với Phật và chư Thiên. Vì người ấy sẽ nhận được cái bóng điện nhưng không có ánh sáng vì mình đã tự cắt cái dây diện rồi.  Mô Phật, nếu chúng sanh có thể tu thẳng với Phật không cần Thầy. Thì Như Lai chỉ bảo qui y nhị bảo là Phật và Pháp chứ đâu có qui y tam bảo là: Phật, Pháp và Tăng.
-    Xin cảm ơn cụ.
-    Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch điều nay với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới thực đúng được.

Tưởng Vậy/30/9/2007

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/y-ph-225-p-b-t-y-nh-226-n.aspx

Thường Tịch Quang

Này Cỏ May, khi thể nhập Phật trường thì gọi là đắc khí. - Thế nào là Phật trường ư ? - Hềhề... Đó là Thường Tịch Quang của Phật Tánh còn gọi là Dụng của Tánh hay Phật Lực. Cái năng lực ấy vô hình vô tướng, nhưng là một thực thể chỉ có thể nhận biết qua các biểu thị của nó thông qua vạn pháp.
Thí dụ: Biết người ấy thể nhập Phật trường khi người ấy Đắc Khí và có các biểu thị như: thấy hào quang sáng lòa phóng đến, ngửi được hương thơm kỳ diệu, cơ thể phát nhiệt khi trời lạnh và mát mẻ khi trời nóng nực, lời nói và hành động tự thích ứng với mọi tình huống...v.v... phát sinh trí tuệ, có sự rung động đồng cảm với mọi người và pháp giới nên có thể viết văn, làm thơ, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, sắp đặt và các môn nghệ thuật khác... Nghĩa là tự nhiên trở thành người nghệ sĩ tâm linh tràn đầy phúc lạc.
Ngươi hỏi tại sao khi Thể Nhập Phật trường của Như Lai cơ thể lại chuyển động ư?
- Này Cỏ May, ngươi biết tại sao có gió thổi không?
- Thưa cụ, nếu trên trái đất này nhiệt độ tại các nơi đều không thay đổi thì sẽ không có gió. Do nhiệt độ, không khí bị hun nóng nên giãn nở nhẹ hơn, bốc lên cao. Không khí lạnh từ nơi khác tự tràn đến lấp chỗ trống ấy tạo thành gió.
- Hềhề... Cũng vậy. Nội khí trong người ai cũng có. Nó là điều tự nhiên và là Phật lực của vị Phật tại thân ẩn tàng trong mỗi chúng ta. Nay tại một nơi trên cơ thể chúng ta bị bệnh. Phật lực hay nội khí tại nơi ấy yếu đi hay có lỗ hổng về năng lượng, nên năng lượng sinh học của cơ thể sẽ tự chảy đến chỗ ấy để làm đầy, để tái lập lại quân bình âm dương cho cơ thể, để dòng chảy tự nhiên của Phật lực trong cơ thể điều hòa ổn định thuận tự nhiên theo Dịch lý của trời đất.
Dòng chảy của Phật lực về vùng bị bệnh ở bên trong, sẽ kéo theo chuyển động của cơ bắp ở bên ngoài và tạo thành sự chuyển động phù hợp với từng cơ địa và bệnh lý riêng của từng người.
Không phải là cố gắng trị bệnh. Điều ấy tiềm năng cơ thể và Phật lực tự nhiên làm. Chỉ cần đừng cản trở một cách cố ý và hay vô thức sự vận hành tự nhiên này mà thôi!
Này Cỏ May, cũng như dòng điện chạy thì cái quạt điện này tự quay vậy mà. Cái đấy giống như người luyện Khí.
Còn nếu ta lấy tay nắm cánh quạt mà quay. Cái đấy gọi là Thể Dục thông thường!
Dòng Khí này, Phật lực này ai cũng có, bởi ai cũng có Chân Nhân hay Con Người Thật của mình ẩn tàng bên trong. Nhưng do rối loạn tâm, do căn trần duyên nhau, do trụ "Ngã", do phóng chiếu qua lăng kính cái Tôi, nên sự luân chuyển tự nhiên của Phật lực bị đứt đi, bị rối loạn, bị mê mờ không hiển thị thành sức mạnh khả dụng được.
Nay do hành thiền, tập định, do nhứt thời không rối loạn tâm khi thực hành Khí Công Dưỡng Sinh hay Thiền Năng Lượng mà tái lập sự vận hành tự nhiên của Phật lực. Qua nhận biết tỉnh giác và Phật lực tương ưng, nên Con Người Thật của mình phục sinh. Do vậy mà lành bệnh, do vậy mà tăng cường sức khỏe, do vậy mà phát sinh trí tuệ và thân tâm thường an lạc.
Này Cỏ May, không phải ráng tập, ráng tu, để đạt những cái ấy, mà là thuận tự nhiên, không giả tạo, sống bằng con tim nhân hậu và không cản trở thì điều ấy tự nhiên thành. Cái ấy gọi là:"Mây mù tan thì huệ nhựt tự chiếu sáng" vậy!
Này Cỏ May, ông hỏi thế tại sao ta và những vị huynh cao cấp của bản môn khi đắc khí lại yên lặng không hề chuyển động?
- Cái đấy gọi là "Gió thổi nhà trống, lửa cháy khoảng không"
Nghĩa là:
1. Khi đắc khí nếu Thân còn bệnh :
Thì cơ thể sẽ chuyển động theo muôn ngàn tư thế khác nhau. Không phải những tư thế này chữa lành bệnh. Mà Khí hay Phật lực bên trong di chuyển về "Ổ Bệnh" để quân bình âm dương và làm lành bệnh. Này Cỏ May, sự chuyển động của cơ thể chỉ là hiện tượng và bản chất của nó là dòng chảy của Phật lực ẩn tàng bên trong:
2. Do vậy khi một người Thân không có bệnh:
Thì đắc khí cơ thể sẽ tự chuyển động TRANG NGHIÊM. Đấy là khi người bệnh còn chấp Thân này là mình. Nếu người ấy qua tu học không còn "Chấp Thân" nữa, mà thân cũng không bệnh. Thì khi đắc khí Thân người ấy sẽ lặng ngắt không hề chuyển động!
3. Do vậy khi một người Thân đã lành bệnh nhưng tâm còn bị bệnh:
Thì đắc khí cơ thể sẽ chuyển động có tướng là TRANG NGHIÊM, nhưng trạng thái của động tác lại nhuốm màu tham dục.
Thí dụ:
Người ấy Sân bên trong, thì bên ngoài động tác đắc khí tuy điều hòa nhưng sẽ có trạng thái của Sân Hận.
Người ấy Si bên trong thì bên ngoài động tác đắc khí tuy điều hòa nhưng sẽ có trạng thái của Si.
Người ấy có tâm Tham bên trong, thì bên ngoài động tác đắc khí tuy điều hòa nhưng sẽ có trạng thái của Tham.
Này Cỏ May, người ấy không giả vờ được khi đắc khí, nên các biểu hiện khi đắc khí là "Thật Tướng của Tâm Thức" người tu.
Cái gọi là Tập khí nhiều đời và các Lậu Vi Tế khi đắc khí đều phơi bày ra bên ngoài qua trạng thái của động tác. Do vậy mà người Giám Thiền có căn cứ để hướng dẫn các Pháp Đối Trị thích hợp cho từng người.
Này Cỏ May, ta có thể theo dõi lời nói và hành động của người tu trong Thiền đường để tùy theo đấy mà có pháp đối trị. Nhưng đấy là đối với các LỖI THÔ.
Còn đối với người khéo nhịn, khéo đóng kịch và các LỖI VI TẾ thì phải qua trạng thái động tác của họ khi đắc khí mới có thể biết được, để tùy theo đấy mà có pháp đối trị.
Này Cỏ May, bản tánh của loài người là khéo đóng kịch.
Khi có người đối diện, nếu là người chưa chứng ngộ thì tòan bộ lời nói và động tác của người ấy đều là đang đóng kịch một cách có ý thức hoặc vô thức.
Bởi vậy người xưa có dạy rằng:
"Xét quân tử thì hãy xét trong phòng kín"
Ta nay cũng nương theo đấy mà rút ra được một kinh nghiệm là:
"Xét tâm thức của người Tu thì hãy xét khi họ Đắc Khí"
Hềhề... Qua các trạng thái của động tác, người thực hành thiền năng lượng như là được khám bệnh cho Tâm. Nên sau đấy sẽ được các vị Giám Thiền hướng dẫn các pháp đối trị để trị lành tâm bệnh. Khi tâm bệnh đã lành rồi, biểu hiện của động tác khi đắc khí lập tức không nhuốm màu Tham, Sân, Si nữa.
4. Do vậy khi một người Thân đã lành bệnh, Tâm đã lành bệnh. Nhưng còn "Chấp" Thân Tâm này là Mình:
Thì khi đắc khí cơ thể sẽ chuyển động TRANG NGHIÊM vàTHANH TỊNH. Nếu người ấy đang niệm Phật trì kinh, trì chú, thì động tác sẽ có tính thiêng liêng, nhàn hạ, ung dung, tự tại.
5. Do vậy khi một người Thân đã lành bệnh, Tâm đã lành bệnh. Và "Không Chấp" Thân Tâm này là Mình:
Thì khi đắc khí cơ thể sẽ ngồi im, lặng ngắt, nụ cười an lạc nở trên môi, không chuyển động ở cơ thể cũng như có các biểu hiện tâm lý khác. Toàn thân tuy ngồi im mà tràn đầy phúc lạc.
Mô Phât! Và đó chính là THIỀN TỊNH thực sự.
Này Cỏ May.
Vậy đắc khí và chuyển động trị bệnh không chưa đủ. Mà phải còn luôn nhận biết tỉnh giác điều chỉnh toàn bộ trạng thái động tác và các biểu hiện tâm lý mà năng lượng giác ngộ đã phơi bày trần trụi ra bên ngoài. Làm cho mọi biểu hiện này Trang Nghiêm Thanh Tịnh, An Lạc và vô dục.
Hềhề... Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy.
Ông hỏi thì ta chỉ thuận miệng nói thế thôi, chứ ta chỉ là một lão già nhà quê ở xó núi, đạo học là bao mà dám lộng ngôn.
Mô Phật!
Ông nên tác bạch việc này để chư tăng và chư Thiện Tri Thức phát tâm chỉ dạy cho thì mới được.

Tưởng Vậy/13/9/2008

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/th-ng-t-ch-quang.aspx

Thần chú

- Thưa cụ câu thần chú : Um mani padme hum, có nghĩa là gì? - Thần chú không có nghĩa! - Tại sao thế?
- "Nghĩa" thuộc phạm trù khái niệm, tức là sản phẩm của tâm trí. Trong khi thần chú lại thuộc về cái tối thượng vô giới hạn, nên phi khái niệm.
- Thế, sao có nhiều sách giải thích nghĩa của một số thần chú. Cụ thể nếu tôi nhớ không lầm. Có lần cụ cũng giải thích nghĩa của thần chú Um mani Padme hum rồi. Nhưng tôi vì quên nên nay mới hỏi lại?
- Ta chỉ giải thích nghĩa của câu chữ: Um mani padme hum, chứ không phải thần chú Um mani padme hum. . .!. . .
- Thưa cụ, có gì khác biệt giữa hai việc ấy vì cùng là một câu ấy cả?
- Có chứ!. . . Câu chữ và cụ thể là âm thanh của nó chỉ là cái mắc áo. Và sức thần linh diệu bên trong cái ấy mới là cái áo!. . . . .
- Vậy cách hành trì thần chú như thế nào mới có hiệu lực?
- Mô phật!. . .Không cần hành trì gì, thần chú vẫn đang hiệu lực.
- Tại sao thế?
- Nếu là thần chú thì thuộc về cái tối thượng. Nên muôn đời nó "vẫn đang là" chưa bao giờ ngừng nghỉ, chẳng có bắt đầu và cũng chẳng có kết thúc!. . . .Nếu phải đọc lên mới có hiệu lực thì nó thuộc về thế gian pháp chẳng phải "thần" nữa.
- Thế tại sao trong kinh sách chư Bồ Tát lại dạy người ta niệm thần chú?
- Mô Phật!. . .Người ta ở đây ám chỉ "con người thật" chứ không phải niệm bằng cái miệng máu thịt với cái tâm ham pháp thuật thần thông.
- Mô Phật!. . .Đã là con người thật thì tại sao còn phải niệm?
- Vâng tại sao lại phải niệm?
- Cụ chẳng thấy mình đang mâu thuẫn sao?
- Chẳng phải mâu thuẫn. Vì nếu niệm thần chú bằng cái miệng máu thịt với cái tâm ham pháp thì cái được chỉ là : "cái mắc áo". Nghĩa là: Khả năng đọc tiếng Phạn rất hay và cái vẻ bề ngoài trang nghiêm đạo mạo. . . .
Còn khi hành thiền hội nhập với con người thật của mình rồi, thì âm thanh của: Um mani padme hum, sẽ là cái duyên để "Con người thật" hiển thị âm nhạc của cõi lặng yên với vũ điệu của tình yêu tối thượng! . .
- Xin cụ cho một thí dụ về vấn đề này?
- Này Cỏ May!. . .Khi tia nắng ban mai đầu tiên vừa chiếu rọi thì con chim chìa vôi cất tiếng hót líu lo và xoè đuôi múa điệu múa của tình yêu bất diệt. . . .Ta cũng vậy . Khi âm thanh của thần chú vang lên. " Con người thật" trong ta chợt cất cao tiếng niệm thần chú với sự giao hoà đồng cảm và rung động sâu xa .
Này Cỏ May!. . .Việc niệm thần chú trở thành cái tự nhiên. . . .Sức thần niệm chứ không phải "cái ta" niệm và ta cũng như con chim chìa vôi kia. . .ta cũng giao hoà năng lượng và múa điệu múa của tình yêu tối thượng. . . .
Này Cỏ May!. . .Trong ánh sáng ban mai lúc cao độ của nó, con chim chìa vôi tràn đầy ngẫu hứng. . .nó hót nhiều giọng điệu nhiều cung bậc mà vẫn là tiếng hót chìa vôi. . . .mà con chim mái vẫn rung động và vẫn đến. . . .Ta cũng vậy trong hào quang của Như Lai, khi giao hoà và đồng cảm cao độ thì chẳng còn đúng sai. . .chẳng còn tiếng Phạn hay tiếng Việt. . . . . .chẳng câu nệ câu này chữ nọ. . . .Khi ấy mọi thần chú đều như nhau. . . mọi cung bậc và âm điệu đều như nhau. . . .chẳng sai. . .chẳng đúng. . .chỉ còn nương cái ấy để giao hoà. . . . . .để cái Một và "cái toàn diện" tan chảy, trộn lẫn và biến mất vào nhau!. . .
Này Cỏ May!. . .khi ấy. . .câu chữ đã chết. . . mà sức thần của câu chữ thì lại đang sống dậy cất lời ca và múa điệu múa của linh hồn!. . . .
Mô Phật!. . .Cũng như con chim chìa vôi kia, sau khi nó hót thì con chim mái đến!. . . .Ta cũng vậy sau khi "con người thật" hát thần chú. . .múa thần chú. . . .thì Thượng Đế đến. . .thì người yêu tối thượng và thiêng liêng đến!. . . .
Sau khi con mái đến thì con chim chìa vôi không hót nữa vì có sự hợp nhất sâu sắc thế!. . . .
Mô Phật!. . . .Ta cũng vậy. . .sau khi thiêng liêng đến thì mọi thần chú đều im bặt. . . mọi điệu múa đều lặng ngắt. . . .Nhường chỗ cho sự tan chảy của ta vào Thượng Đế. . .và sự biến mất của Thượng đế vào trong ta! . . . .
Này Cỏ May!. . .Khi ấy Phật và chúng sanh đều biến mất. . .cái còn lại chỉ là tình yêu tối thượng đang múa đang hát hoặc đang lặng yên mà chất ngất trào dâng !. . . . . .
- Mô Phật!. . .Xim cảm ơn cụ về tất cả những gì cụ đã nói và hiển thị hôm nay.
- Này Cỏ May!. . . .Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy. . . Rồi khi nào rảnh đến đây uống trà nói lại để ta học với!. . . .
- Mô Phật!. . . .Sao cụ không tự mình hỏi có hơn không?
- Ta cũng đang hỏi và đang tu học không phút nào ngừng bằng giao hoà đồng cảm và tỉnh giác!. . . .

 Tưởng Vậy/17/10/2006

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/th-n-ch-250.aspx

Phục sinh

-Chào cụ Tưởng Vậy -Chào chú Ba Gàn
-         Thưa cụ, thế nào là phục sinh?
-         Đó là sự sống vô ngã.
-         Nó giống như cái gì?
-         Như đứa bé tượng hình trong bào thai của mẹ.
-         Do đâu mà được vậy?
-         Do hợp nhất âm dương thành thái cực. Do nhị nguyên biến thành nhất nguyên. Do tâm trí phân lập biến thành cái Một phi tâm trí.
-         Như vậy là vô thức sao?
-         Không phải vô thức, cũng không phải ý thức mà là "ý thức vũ trụ".
-         Nó giống như cái gì?
-         Đó là trạng thái "Thiên địa nhân đồng nhất". Như bào thai không có sự sống riêng. Mẹ nó sống thì nó sống. Mẹ  nó thở thì nó thở. Mẹ nó ăn uống thì chất bổ dưỡng tự san sẻ cho nó. Mẹ nó buồn vui hay sinh hoạt đều ảnh hưởng đến thai nhi. Nói chung, ý thức đang đều khiển cuộc sống của mẹ nó như là chung cho nó.
-         Như vậy phải chăng người đã đắc khí thì lời nói hành động luôn thuận tự nhiên và phi tâm trí?
-         Chưa hẳn đã vậy!
-         Tại sao thế?
-         Như đứa bé trong bào thai của mẹ. Trước tiên, đầu của thai nhi hướng lên trời thuận theo chiều của mẹ nó. Đó như chiều về với Thượng Đế!.
Thế nhưng để chuẩn bị đi vào đời. Đầu của thai nhi lại từ từ quay xuống dưới. Đó như chiều của sự "thiện thệ độ sanh".
Khi sinh ra đầu đứa bé chưa thể hướng lên trời được. Nó phải ở tư thế nằm ngang một thời gian. Chiều nằm ngang là chiều của vô thức. Chiều của tâm trí. Chiều của tình dục và sự sống bản năng. Chiều của con vật. Con vật nào cũng đều ở tư thế nằm ngang song song với mặt đất. Đứa bé mới sinh ra cũng giống như người học khí công hay thiền động mới đắc khí, chỉ được mặt năng lượng còn tâm thức chưa phát triển cần phải tuân thủ mọi giới luật để có cuộc sống đạo hạnh. Nếu chỉ y cứ vào năng lượng rất dễ sa vào bản năng vô thức.
Này chú Ba!. . .Đứa bé phải trải qua một quá trình chuyển động tự phát bản năng, từ nằm ngửa, lật sấp, biết trườn, biết bò, biết ngồi, và cuối cùng mới biết đứng dậy và bước đi bằng hai chân. Toàn bộ quá trình của nó đều tự động. Riêng biết đi bằng hai chân nó phải học ở người đời nếu không thì không thể tự biết đi được. Như vậy từ chiều ngang của vô thức qua quá trình phát triển nó dần dần hướng đầu lên trời để cuối cùng lại trùng với chiều của ý thức, chiều của tỉnh giác, chiều hướng về thượng đế!. . .
Cũng vậy người tu Khí Công Dưỡng Sinh hay thiền động phải qua quá trình rèn luyện với các bài tập chuyển động năng lượng tương ứng với từng giai đoạn phát triển của hài nhi như : vận khí chuyển động các khớp, xà quyền, các loại hình vận động bắt chước tư thế của động vật như thất tinh quyền . . . . . . .Trong các giai đoạn này nhất thiết phải vừa hành công vừa tập giữ gìn giới luật để tránh tự phát bản năng.
Tiếp đến như cháu bé tập ngồi. Người tu khí công bắt đầu tập thiền định để dần tiến tới bát nhã.
Trong giai đoạn tiếp theo này do thực chứng tâm chánh định nên các bài hành công là ở tư thế ngồi hoặc đứng như : Nội gia thái cực quền, nhất nguyên quyền, vô cực quyền. . . .
Giống như cháu bé cần phải được người đời dạy mới biết đi bằng hai chân. Người tu Khí Công và thiền động muốn có một cuộc sống thuận với tự nhiên, thuận theo chiều tỉnh giác của thượng đế. Nhất định phải đi vào đời để học tập rút cho được cái kinh nghiệm: tuỳ duyên hiển tướng mà vẫn không rời phật tánh của mình! . . .
Không có người dạy đứa bé sẽ mãi bò bằng bốn chân!. . .Không có trường đời người tu sẽ lẩn quẩn trong vô minh không thực chứng được bát nhã!. . . .
Từ chiều ngang của vô thức bản năng người tu khí công hay thiền động đã dần vươn lên chiều đứng của thượng đế. Bởi vậy để tái hợp với Như Lai. Để hội nhập với bản thể. Để trùng với cái biết của sự tồn tại. Bằng tư thế ngồi, đầu vươn thẳng lên trời, người tu thực hành thiền đại thủ ấn để "cái Một" hợp nhất với "cái Toàn diện".
-         Thưa cụ, tôi xin lỗi phải cắt ngang. Nhưng tại sao ở giai đoạn này phải dùng tư thế ngồi?
-         Vì nó là trung gian giữa bò bằng bốn chân và đi bằng hai chân. Nó là trung gian giữa vô thức và ý thức. Nó là trung đạo vì giữa Phật và chúng sanh. Mô Phật!. . .Nó là khởi điếm vì trùng khớp với thân phận của con người!.
-         Thưa cụ!. . .Cảm ơn cụ rất nhiều về buổi đàm đạo hôm nay.
-         Mô Phật!. . .Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin chú Ba hỏi việc này với chư vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với.

Tưởng Vậy/19/10/2005

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/ph-c-sinh.aspx

Ngũ trí

Này Cỏ may!. . . Làm Phật sự có nghĩa là "Tánh tuỳ duyên hiển tướng". . . Như gió thổi làm mặt hồ nổi sóng. . . Thông qua một duyên thì Phật lực tự hiển thị thành các tướng tương ứng.
Đấy là người đã khế tánh!
Còn nếu chưa khế tánh, thì thường qua một duyên cái ngã sẽ hiển thị qua lời nói và hành động.
Thế cho nên bài tập lớn nhất quan trọng nhất là: Yên lặng tỉnh giác, đồng cảm với sự sự vật vật. . .
Bởi vì khi ấy, năng lượng của ta hợp nhất với năng lượng của đối tượng và cùng rung động theo một nhịp điệu chung. . .

Này Cỏ May!. . . . Đó là năng lượng của "Vô ngại đại bi tâm"!. . . . .
Thế rồi bên trong thì rỗng không sâu hun hút, bên ngoài thì rung động cùng một nhịp điệu với hiện tượng, nghĩa là cùng một dòng chảy với sự sự vật vật. . . . Bỗng nhiên sự sự vật vật đều quay đầu chảy về phía ta. . . . Chảy mãi về phía cái lỗ hổng sâu hun hút không đáy của "Đại bi tâm"!. . . .
Lạ thay!. . . . Ta chẳng đi đâu, chẳng về đâu. . . . mà vạn pháp tự quy về!. . . . . .
Dòng chảy cứ chảy. . . . mà một mảy cũng không đầy!. . . . Haha!. . .ha!. . . Chẳng cần tịnh. . . chẳng cần động. . . . chẳng có Ta. . . . chẳng có Người. . . . chẳng có cái Một . . . . cũng chẳng có cái Toàn Diện!. . . . Mà chỉ duy nhất có cái dòng chảy. . . . . chảy mãi về cái lỗ rỗng không không đáy. . . . sâu vô cùng vô tận! . . .

Này Cỏ May!. . . . Nó là HUM!. . . .
Không phải ngươi HUM với Thượng Đế mà cái bí mật chính là mọi biểu thị của Thượng Đế Hum với ngươi. . . Cái bí mật lớn nhất ta tiết lộ với ngươi. . . . chẳng phải ngươi tu là để Hum, để quay về hợp nhất với Thượng Đế. . . với Như Lai!. . . . Mà chính là cái ngược lại. . . . là để mọi biểu thị của Như Lai của Thượng Đế tự quay đầu chui tọt vào cái lỗ rỗng không thông trời thông đất của ngươi!. . . .

Ngươi hỏi tại sao vậy à?
Tại vì khi ấy ngươi trùng với Phật Tánh. . . Tại vì khi ấy ngươi khế Tánh. . . . . . . .
Này Cỏ May!. . . Trong một buổi trà đạo, ngươi thường thấy chư huynh trưng bày một tác phẩm ngẫu hứng như là: một nghệ thuật sắp đặt, một cái tranh thiền, một lọ hoa, một bài thơ, thư pháp, hay một chữ linh phù. . . .v.v. . . Cái ấy là công án. . . . cái ấy là tạo một "duyên phi khái niệm" để Phật tánh nơi các ông tự đồng cảm và biểu thị. . . Cái ấy là để năng lượng của "Vô ngại đại bi tâm" tuỳ cái duyên ấy mà hiển tướng Phật. . . .

Ông hỏi tại sao à?
Tại vì, cũng như nước sạch sẽ tùy hình dạng của vật đựng mà vừa khít . . . mà lấy làm hình dạng của mình. . . . Thế nhưng nước vẫn là nước tinh khiết, chứ không bị biến chất đi.
Bởi vì cái công án ấy. . . . cái tác phẩm trưng bày ấy. . . . cái lời nói ấy. . . . cái hành động ngẫu hứng ấy là phi khái niệm. . . . Nên nếu còn ở trong tâm trí. . . thì lập tức sẽ hiểu nhầm, do chấp tướng hoặc chấp ngữ. . . Bởi vậy mà lời nói và hành động bám chặt vào phạm trù các khái niệm sẽ như là một phản ứng của cái Tôi, chứ không phải là một phản ảnh của bát nhã!
. . . .
Cho nên trước các tác phẩm ấy, để Tánh tự tuỳ duyên hiển tướng hay là để bát nhã tự biểu thị thì người chưa khế tánh phải tinh tấn rèn luyện và tu chứng qua các giai đoạn sau:

1.  Đầu tiên nhìn nó với: "Diệu quán sát trí" nghĩa là đắc khí với đức Bảo Sanh Như lai, yên lặng chứng kiến trong tỉnh giác mà không phán xét. . .
2.  Nhiên hậu tiếp nhận các thông tin ấy với "Bình đẳng tánh trí", nghĩa là đắc khí với đức đạo sư A Di Đà Phật, để chỉ tiếp nhận các thông tin thuần khiết phi khái niệm. . .
3.  Tiếp theo đắc khí với đức Bất Không Thành Tựu Như Lai để các thông tin ấy chui tọt vào cái lỗ rỗng không của "Thành sở tác trí". . . .
4.  Sau đó đắc khí với Đức A Súc Phật và để Đại Viên Cảnh Trí hiển thị thành các linh ảnh.
5.  Cuối cùng thông công với đức Tỳ Lô Giá Na Phật, để tự tánh pháp thân tự biểu thị qua lời nói và hành động. . . .
Này Cỏ May!. . . Tính thiền và tính Mật luôn tác động qua lại hỗ tương đối đãi để người tu thăng hoa về phía giác ngộ. . .
-          Nếu thường yên lặng chứng kiến trong tỉnh giác thân tâm thì năng lượng sẽ biểu thị chính xác.
-          Nếu năng lượng sung mãn biểu thị chính xác sẽ làm cho việc chánh niệm và tỉnh giác trở nên phi nỗ lực.
. . . .
Bởi vậy, chư huynh dùng phương tiện thiền ngữ, thiền cơ hoặc các tác phẩm nghệ thuật ngẫu hứng phi khái niệm đều là tạo một duyên để các trà sĩ tập khế tánh tùy duyên. . .
Và các Quán Trà chẳng những có trà ngon, mà còn có các Phật duyên như vậy. . . . Hy vọng là ông sẽ thấy vui và thích!. . . .

Mô Phật!. . . Đây chỉ là kinh nghiệm riêng của ta. . .
Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. . . . Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy cho thì mới được.

Tưởng Vậy/14/3/2007

Nguồn: http://duongsinh.net/w/khicongnangcao/ng-tr-237.aspx