Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Lịch sử nước ta

Tác giả: Hồ Chí Minh (viết năm 1941. Bài gồm 210 câu thơ lục bát )


Dân ta phải biết sử ta.
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.
Tuổi tuy chưa đến chín mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.
An Dương Vương thế Hùng Vương
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.
Nước Tàu cậy thế đông người
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
Hai Bà Trưng có đại tài
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian
Ra tay khôi phục giang san
Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta
Tỉnh Thanh Hoá có một bà
Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi.
Tài năng dũng cảm hơn người
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương.
Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời.
Kể gần sáu trăm năm giời
Ta không đoàn kết bị người tính thôn.
Anh hùng thay ông Lý Bôn
Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người.
Đánh Tàu đuổi sạch ra ngoài
Lập nên triều Lý sáu mươi năm liền.
Vì Lý Phật Tử ngu hèn
Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.
Thương dân cực khổ xót xa
Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu.
Vì dân đoàn kết chưa sâu
Cho nên thất bại trước sau mấy lần.
Ngô Quyền quê ở Đường Lâm
Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm.
Đến hồi thập nhị sứ quân
Bốn phương loạn lạc, muôn dân cơ hàn.
Động Hoa Lư có Tiên Hoàng
Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh.
Ra tài kiến thiết kinh dinh,
Đến Vua Phế Đế chỉ kinh hai đời.
Lê Đại Hành nối lên ngôi
Đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành.
Vì con bạo ngược hoành hành
Ba đời thì đã tan tành nghiệp vương.
Công Uẩn là kẻ phi thường
Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta.
Mở mang văn hoá nước nhà
Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân.
Lý Thường Kiệt là hiền thần
Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm Thành.
Tuổi già phỉ chí công danh
Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
Họ Lý truyền được chín đời
Hai trăm mười sáu năm giời thì tan.
Nhà Trần thống trị giang san,
Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài,
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài:
Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu,
Tung hoành chiếm nửa Âu châu
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la,
Lăm le muốn chiếm nước ta
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ,
Hải quân theo bể kéo đi,
Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nêm.
Dân ta nào có chịu hèn
Đồng tâm hợp lực mấy phen đuổi Tàu.
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu,
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang.
Mênh mông một dải Bạch Đằng
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh,
Hai lần đại phá Nguyên binh,
Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời.
Quốc Toản là trẻ có tài,
Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.
Thật là một đấng anh hùng.
Trẻ con Nam Việt nên cùng neo theo.
Đời Trần văn giỏi võ nhiều
Ngoài dân thịnh vượng trong triều hiền minh.
Mười hai đời được hiển vinh,
Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi.
Cha con nhà Hồ Quý Ly,
Giết vua tiếm vị một kỳ bảy niên.
Tình hình trong nước không yên,
Tàu qua xâm chiếm giữ quyền mấy lâu,
Bao nhiêu của cải trân châu,
Chúng vơ vét chở về Tàu sạch trơn.
Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn,
Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn.
Mấy phen sông Nhị núi Lam,
Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.
Kìa Túy Động nọ Chi Lăng,
Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành.
Mười năm sự nghiệp hoàn thành,
Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan.
Vì dân hăng hái kết đoàn,
Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.
Vua hiền có Lê Thánh Tôn,
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành.
Trăm năm truyền đến cung hoàng,
Mạc Đăng Dung đã hoành hành chiếm ngôi.
Bấy giờ trong nước lôi thôi,
Lê Nam, Mạc Bắc rạch đôi san hà,
Bảy mươi năm vạn can qua
Cuối đời mười sáu Mạc đà suy vi.
Từ đời mười sáu trở đi,
Vua Lê, chúa Trịnh chia vì khá lâu
Nguyễn Nam Trịnh Bắc đánh nhau,
Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng.
Dân gian có kẻ anh hùng,
Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn,
Đóng đô ở đất Quy Nhơn,
Đánh tan Trịnh, Nguyễn cứu dân đảo huyền
Nhà Lê cũng bị mất quyền,
Ba trăm sáu chục năm truyền vị vương.
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc tàu,
Ông đà chí cả mưu cao,
Dân ta lại biết cùng nhau 1 lòng.
Cho nên tàu dẫu làm hung,
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.
Tướng tây Sơn có một bà,
Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân,
Tay bà thống đốc ba quân,
Đánh hơn mấy trận, địch nhân liệt là.
Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.
Tự mình đã chẳng có tài,
Nhờ tây qua cứu tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dầy mả thiệt là ngu si.
Từ năm Tân Hợi trở đi,
tây đà gây chuyện thị phi với mình.
Vậy mà vua chúa triều đình,
Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoai.
nay ta nước mất nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.
Năm Tự Đức thập nhất niên,
Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây.
Hăm lăm năm sau trận này,
Trung Kỳ cũng mất, Bắc Kỳ cũng tan,
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đen hàng cho Tây !
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng.
Nước ta nhiều kẻ tôi trung,
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương.
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương,
Cùng thành còn mất làm gương để đời.
Nước ta bị Pháp cướp rồi,
Ngọn cờ khởi nghĩa nhiều nơi lẫy lừng;
Trung Kỳ đảng Phan Đình Phùng
Ra tay đánh Pháp, vẫy vùng một phương.
Mấy năm ra sức cần Vương,
Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên,
Giang san độc lập một miền,
Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành.
Anh em khố đỏ, khố xanh,
Mưu khoải nghĩa tại Hà thành năm xưa,
Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa,
Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được toàn.
Kìa Yên Bái, nọ Nghệ Anh
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.
Nam Kỳ im lặng đã lâu,
Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây.
Bắc Sơn đó, Đô Lương đây!
Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.
Xét trong lịch sử Việt Nam,
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng.
Nhiều phen đánh Bắc dẹp Đông,
Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên.
Ngày nay đến nỗi nghèo hèn,
Vì ta chỉ biết lo yên một mình.
Để người đè nén, xem khinh,
Để người bóc lột ra tình tôi ngươi !
Bây giờ Pháp mất nước rồi,
Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua;
Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.
Ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông.
Người chúng ít, người mình đông
Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên !
Mau mau đoàn kết vũng bền cùng nhau.
Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh !

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Luật chơi Cờ Toán Việt Nam

Tác giả: Vũ Văn Bẩy
địa chỉ:
khu Suối Hoa (P.Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)
 
Bàn cờ: Bàn cờ hình chữ nhật, gồm 99 ô (9 ô hàng ngang và 11 ô hàng dọc). Ô thứ 5 ở hàng thứ 2 của mỗi bên có đường chéo là vị trí cố định của quân số 0.
Quân cờ: Hình trụ tròn, mỗi bên có 10 quân, mỗi bên một màu khác nhau. Quân số 0 có hình bộ não người, màu xám trắng. Trên những quân cờ còn lại mỗi quân có các dấu chấm tròn thể hiện các số thứ tự 1-9 (quân số 1 có một chấm tròn; quân số 9 có chín chấm tròn).
Xếp quân: Hai bên cùng xếp quân vào hàng ngang dưới cùng, thứ tự từ 1 đến 9, từ trái sang phải, quân số 0 xếp vào ô có dấu chéo, phía trên ô số 5.

Cách đi: Quân số 0 không được di chuyển. Các quân còn lại 1-9 đều được đi theo tám hướng: bốn hướng đi thẳng theo bốn phía ngang, dọc và bốn hướng chéo Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi ô trống trên bàn cờ là một bước đi. Số bước đi được sẽ nhỏ hơn hay bằng trị số của từng quân cờ. Ví dụ, quân số 2 có thể đi 1 hay 2 ô trống, số 9 có thể đi từ 1 đến 9 ô trống, tùy mục đích của người chơi.
Bắt quân: Khi có 2 quân bên mình đứng ở 2 ô liền nhau theo chiều dọc hoặc ngang hoặc chéo để tạo thành một phép tính và phía trước không có quân của đối phương đứng cản, lấy trị số của 2 quân tính các phép hoặc cộng (+), hoặc trừ (-), hoặc nhân (x), hoặc chia (:) với nhau để ra đáp số. Đáp số của mỗi phép tính là số bước đi để bắt quân của đối phương.
Chẳng hạn, bên mình có quân 8 và quân 5 đứng liền nhau (8 đứng dưới, 5 đứng trên) theo hàng dọc thì có thể lấy 8-5 = 3 hoặc 8+5 = 13 để bắt quân đang đứng ở ô thứ 3 của đối phương (tính từ ô của quân 5 đứng trước) nếu muốn đánh tiến. Sau đó, lấy quân số 8 thế vào vị trí mà quân số của đối đối phương bị bắt. Còn nếu muốn bắt lùi thì lấy 5+8 = 13 và bắt quân đang đứng ở ô thứ 3 bắt đầu tính từ quân số 8.
Riêng phép tính chia được đánh cả số dư. Ví dụ 8:5 = 1 dư 3. Như vậy có thể bắt quân ở ô số 1 hoặc ô số 3 theo hướng đi quân.
Chú ý, nếu kết quả của phép cộng hoặc nhân mà lớn hơn 10 thì chỉ lấy số của hàng đơn vị để tính điểm bắt quân. Chẳng hạn 5+8 = 13 thì 3 là điểm để bắt quân của đối phương. Nếu là phép chia có dư thì lấy số dư để bắt quân. Chẳng hạn, lấy quân 8 chia cho quân 5 bằng 1 dư 3 thì 3 là ô cờ được bắt quân của đối phương. Không thể lấy 5 x 8 = 40 vì điểm 0 là không có giá trị.
Nếu phía trước có quân của đối phương đứng cản thì không thể bắt được quân của đối phương. Chẳng hạn 8+5 = 13 thì có thể bắt được quân số bất kỳ của đối phương (1, 2, 3, 4...) đang đứng ở ô thứ 3 tính từ quân số 5 của bên mình, nhưng nếu ở ô thứ 1, 2 có quân đối phương đang đứng thì không thể bắt được quân ở ô thứ 3 kể trên.
Kết thúc 1 ván cờ: Trong quá trình chơi, bất kể khi nào, cứ bắt được quân số 0 của đối phương là thắng tuyệt đối. Nếu không bắt được quân số 0 vẫn có thể tính việc thắng - thua bằng cách dựa theo số điểm. Mỗi quân cờ có số điểm tính theo trị số của nó. Chẳng hạn quân số 1 là 1 điểm, số 2 là 2 điểm... Hai bên thoả thuận thang điểm cho mỗi ván đấu là 10, 20 hay 30… điểm. Một cuộc chơi có thể thoả thuận 3, 5 hay 7 ván nhưng nếu bên đang bị dẫn điểm bắt được quân số 0 cũng giành chiến thắng tuyệt đối, kết thúc cuộc chơi. Nhưng trong quá trình thi đấu, bên nào bị đối phương bắt quân số 0 là bị xử thua tuyệt đối - dù trước đó đang dẫn trước 2-3-4 ván. Cụ thể:
- Ván 1: A thắng B với tỉ lệ điểm 10/7
- Ván 2: A thắng B với tỉ lệ điểm 12/5
- Ván 3: B thắng A tuyệt đối (tức B bắt được quân số 0 của A).
Kết quả cuối cùng: B thắng A.
Theo ANTĐ, TT

Mong muốn cờ toán Việt Nam được đưa vào trường học

160 bạn đọc sáng nay (17-8) đã gửi những ý kiến ngưỡng mộ và thắc mắc của mình đến ông Vũ Bẩy (TP Bắc Ninh) - người đã sáng tạo trò chơi cờ toán Việt Nam được Bộ VHTT công nhận bản quyền và được các công ty đề nghị đấu giá 1 triệu đô-la. Nhưng "cờ toán là món quà tôi tặng cho cuộc đời, cho người chơi, tôi không bán bản quyền cho bất cứ ai", ông nói.
* Có thật là môn cờ của ông đã được công ty đặt vấn đề đấu giá 1 triệu USD, và 1 chuyên gia Trung Quốc cũng trả giá đó, cháu muốn nghe câu chuyện đó (ngochan@yahoo.com)
- Về giá bản quyền của cờ toán VN thì sự thật có rất nhiều công ty trong nước cũng như ngoài nước đặt vấn đề muốn mua bản quyền, trong đó có một cá nhân chấp nhận 1 triệu USD nhưng đến nay có những thông tin sẵn sàng trả giá cao hơn.
Việc họ muốn mua bản quyền thì tôi cũng đã nói công khai nhiều lần là tôi không bán bản quyền.
Về chi tiết có chuyên gia TQ muốn mua bản quyền 1 triệu USD. Đó là một hôm tôi đang ở nhà thì có một ông chuyên gia về cờ của TQ và một người phiên dịch đến đặt vấn đề nghe nói giá khởi điểm phải là 1 triệu USD và sẵn sàng muốn mua 1 triệu USD.
Có một cuộc tọa đàm ngoài lề là nếu bán đấu giá thì giá khởi điểm phải là 1 triệu USD. Tôi không hỏi rõ ông nghe thông tin giá 1 triệu USD ở đâu nhưng tôi nói là có thể bán bản quyền nhưng giai đoạn hiện nay thì chưa.
Ông ấy nói nếu mua thì sẽ cải tiến một số nội dung. Thứ nhất là cải tiến quân cờ không dùng kí hiệu dấu chấm tròn mà sẽ dùng chữ. Thứ hai, ông ấy sẽ không lấy tên là cờ toán VN mà lấy tên là cờ toán quốc tế. Tôi suy nghĩ nếu là cờ toán quốc tế mà quân cờ đề nhất, nhị, tam, tứ thì không ổn. Tôi lưu ý ông ấy cờ toán thì phải mang tính toán học, phải sử dụng con số. Mặt khác, cờ toán xuất xứ từ VN thì nên lấy tên là cờ toán VN là tốt nhất.
*Kinh gui ong Vu Bay ! Doc bai viet cua bao tuoi tre Online toi rat tu hao va kinh phuc ong Bay da khong mang toi quyen loi ca nhan ma dat danh du cua ca Dan Toc len tren het . Rat mong som mot ngay duoc biet cach choi "co toan Viet Nam" (Hoang Khap, 53 tuổi, vankhaphoang)
- Hiện tôi đã chuẩn bị rất nhiều phương án để đưa cờ toán đến với nhiều người. Một là sẽ phổ biến cách chơi qua mạng. Hai là sẽ sản xuất những bộ quân cờ, bàn cờ kèm theo tài liệu hướng dẫn để phục vụ người mến mộ.
* Cờ toán là gì? (nguyen cong thi, 22 tuổi, cong_thi@yahoo.com)
- Cờ toán là đánh cờ theo công thức toán học. Cụ thể, trong toán có dãy số nguyên đơn từ 1- 9 và con số 0. Trong cờ toán, tất cả các con số đều đi theo trị số của mình, số 0 đứng yên. Số 1 đi 1 ô, số 2 đi từ 1 hoặc đi 2 ô. Quân 9 có thể đi từ 1 đến 9 ô tùy chọn.
Điều kiện là khi đi thì không được vượt qua bất kỳ quân cờ nào, tức là chỉ đi ở những ô trống. Hướng đi thì bạn phải đi theo bốn hướng tiến, lùi, trái, phải và bốn hướng chéo đông, tây, nam, bắc.
Cách bắt quân thì muốn bắt quân đối phương bạn phải đi thế nào đó để có hai quân cờ của mình liền nhau, từ đó trong đầu bạn tự tính cộng hay trừ, nhân, chia ra đáp số là bao nhiêu thì đấy là điểm bắt quân đối phương. Ví dụ, bạn đi quân 1 lên trên quân 2 thì hướng bắt quân của bạn sẽ là 2-1=1 hoặc 2x1=2 hoặc 2+1=3. Như vậy các đáp số 1, 2, 3 là điểm bắt quân đối phương. Khi bắt quân đối phương thì lấy quân sau đặt vào chỗ quân bị bắt. Các quân khác cũng tương tự như vậy.
*Cảm hứng nào mà ông nghĩ ra cờ toán? (vuong, 34 tuổi, phamquocvuongudico@yahoo.com.vn)
- Từ bé tôi đã được chơi nhiều loại cờ: cờ tướng, cờ vua, cờ ngũ hành, cờ chân chó, cờ trận. Trong tất cả các trò chơi tôi thích những trò chơi mang tính trí tuệ, phải tính toán, suy nghĩ.
Trên cơ sở đó tôi tự hỏi tại sao cờ tướng, cờ vua đã tồn tại trong lịch sử mấy nghìn năm và được biết cờ tường, cờ vua có xuất xứ từ nước ngoài và trong đầu tôi đặt ra một câu hỏi tại sao ta không đưa toán học vào trò chơi cờ và ý tưởng sáng tạo cờ toán hình thành từ đó.
* Làm sao ông biết được môn cờ của mình chưa từng có trên thế giới? (bb@yahoo.com)
- Theo tôi, trách nhiệm này thuộc Cục bản quyền tác giả vì trước khi cấp bản quyền tác giả họ đã có tư liệu vì VN đã vào công ước Bern và họ đã lưu giữ những phát minh, sáng chế.
Chắc chắn trên thế giới không có loại cờ nào dùng toán học để chơi nên các anh ở Cục Bản quyền tác giả mới cấp bản quyền.
* Có nhiều trường hợp bị hạn chế nước đi như 2 quân 8 và 5 đứng kế nhau chỉ đi được 1 nước duy nhất là số 3 ( dù cho cộng , trừ , nhân , chia cũng vẫn đi được là số 3).
Vậy ông có loại trừ những trường hợp đó ra khi tính số nước đi của cờ toán là 87 luỹ thừa 87 chưa? Nếu loại trừ thì số nước đi của Cờ Toán thực sự còn lại là bao nhiêu nước ? (Nguyễn Văn Trung, 16 tuổi, thanhngan_2004@yahoo.com)
- Về con số 87 lũy thừa 87, theo tôi thứ nhất tôi không thể tính được con số cụ thể 87 lũy thừa 87 nên đấy chỉ là con số tương đối.
*Cờ toán và cờ vua, cờ tướng khác nhau ở đâu ? (nguyen xuan hong, 24 tuổi, hong_hai_quan_ht_6ke_1021@yahoo.com)
- Cờ toán khác với cờ vua ở chỗ cờ toán áp dụng công thức toán học cộng, trừ, nhân, chia để bắt quân đối phương và cách đi quân của cờ toán đi bốn phương, bốn hướng, còn cờ tướng và cờ vua có cách đi quân qui định cho từng quân cờ, ví dụ cờ tướng mã nhật, tượng điền, xe liên, pháo cách và quân tốt thì chỉ tiến, không được phép lùi, khi đã sang sông thì được đi ngang...
Một điểm khác biệt quan trọng là cờ toán thì vừa chơi vừa học toán, rất thiết thực.
* Ông có thể cho con biết làm thế nào để chơi môn Cờ Toán được giỏi, trong khi con là người mới biết chơi. (Nguyễn Linh, 20 tuổi, changtraisitinhsd@gmail.com)
- Muốn chơi cờ toán giỏi trước hết cháu phải giỏi toán. Cụ thể là bốn phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân, chia. Trên cơ sở đó cháu phải tư duy, sáng tạo ra những nước đi có hiệu quả.
* Cháu muốn biết về bản thân ông, ông làm nghề nặn tượng, vậy ông có giỏi toán không?
Ông có là người chơi cờ giỏi không, các loại cờ gì? Triết lý sống và làm việc của ông hàng ngày là gì? Trong 20 năm ông đã suy nghĩ gì để nung nấu phát triển chỉ 1 trò chơi?
Ngoài cờ ra ông còn quan tâm đến những điều thú vị nào khác nữa?
- Bản thân tôi về môn toán học thì thuộc loại dốt. Các loại cờ thì thuộc loại "sạch nước cản". Triết lí sống và làm việc của tôi luôn luôn hướng tới mục tiêu chân, thiện, mỹ. (Cười)
*Cháu đọc thấy môn cờ toán là môn có nhiều cách đi và bác đã làm thế nào để tính và đi hết các nước đó vậy? (Nguyen Thi Lan, 24 tuổi, Lan_love_bn@yahoo.com)
- Người ta tính mỗi nước đi ban đầu, ví dụ quân 1 được đi mấy ô đến quân 9 được đi mấy ô thì ra tổng là 87 nước đi ban đầu. Từ đó mỗi nước đi kết hợp với nhau thành những nước đi chiến lược nên suy ra số nước đi chiến lược là 87 lũy thừa 87. Giống như cờ tướng chỉ có tối đa 32 nước đi ban đầu, kể cả nước đi đầu tiên người chơi thượng tướng.
* Có khi nào trong quá trình bác sáng tạo ra cờ toán bác bị nản lòng không vậy ? (Nguyen Thi Lan, 24 tuổi, Lan_love_bn@yahoo.cm)
- Kể từ khi bắt đầu có ý tưởng sáng tạo cờ toán VN cho đến ngày được cấp bản quyền, mặc dù rất nhiều lần không được các cơ quan quản lí cấp giấy chứng nhận nhưng tôi không hề nản lòng, luôn tin tưởng cờ toán VN sẽ được cơ quan quản lí và xã hội công nhận là một trò chơi trí tuệ, có ích.
*Thưa ông, con muốn hỏi: khi nào thì những bộ Cờ toán Việt Nam sẽ được sản xuất và phổ biến đến mọi người, hay người chơi phải... tự làm lấy?
Và ông có dự định lập một diễn đàn trực tuyến dành cho những người yêu thích môn cờ này không? Nếu trên website đó mà mọi người có thể thi đấu với nhau luôn thì tốt quá! (Vi Huỳnh Tiến Đạt, 18 tuổi, vihuynhtiendat@yahoo.com.vn)
- Hiện tại người chơi phải tự làm lấy. Trong tương lai gần sẽ có những bộ cờ toán bán rộng rãi trên thị trường để người chơi có thể mua về chơi.
Hiện nay chúng tôi đang bàn bạc liên kết với một công ty chuyên làm phần mềm máy tính là Công ty Hào quang Việt. Một ngày gần đây sẽ chính thức khai trương để các bạn có thể chơi qua Internet, qua điện thoại di động.
*Theo tính toán của các chuyên gia Liên Xô trước đây, số nước cờ của cờ toán quá nhiều. Như thế có thể vượt quá tầm kiểm soát của người chơi về việc tuy duy các nước cờ. Liệu cờ toán sẽ nặng về tính may rủi nhiều hơn là sự tính toán về trí tuệ như cờ tuớng hoặc cờ quốc tế? (nguyễn văn sơn, 40 tuổi, tuongvi@yahoo.com.vn)
- Cờ toán hoàn toàn không có chuyện may rủi. Việc kiểm soát số nước đi là do chỉ số thông minh và khả năng sáng tạo, tìm tòi của mọi người.
*Liệu cái tên "cờ tóan Việt Nam" có cục bộ quá không, nó có làm hạn chế sự phổ biến cờ của Bác ra thế giới không? (ĐẶNG VĂN TUẤN, 29 tuổi, DANG VAN TUAN_KSXD@YAHOO.COM)
- Trong quá trình sáng tạo, riêng phần đặt tên cho môn cờ này tôi đã lựa chọn hàng trăm tên, cuối cùng tôi quyết định đặt tên cờ toán VN vì lí do rất đơn giản là nó xuất xứ từ VN và tôi là người VN.
Tôi cũng biết toán học là toàn cầu. Nếu là tên cờ toán quốc tế có thể sẽ thích hợp hơn nhưng tôi tôn vinh Tổ quốc tôi nên tôi lấy tên là cờ toán VN mặc dù toán học thì VN cũng như Mỹ, Anh, Pháp cộng trừ đều theo một công thức duy nhất, giống nhau.
* 1 triệu USD là không nhỏ. Tại sao ông Bảy không rao giá lên cao hơn nữa với điều kiện là giữ nguyên tên cờ cũng như các quân cờ vì điều đó sẽ không ảnh hưởng gì? (tạ quý hợi, 25 tuổi, baoloc_25251325)
- Từ khi có ý tưởng sáng tạo cờ toán đến khi được cấp bản quyền, trong tư duy của tôi không hề có ý nghĩ sẽ bán bản quyền nên 1 triệu USD hay nhiều hơn nữa tôi không quan tâm vì một lí rất đơn giản là tôi không bán bản quyền.
*Bác có thể kể cho chúng cháu nghe một vài câu chuyện "hậu trường" mà bác không thể quên trong quá trình sáng tạo môn cờ toán không ạ? (không kể quá trình bác đi đăng ký bản quyền) (Hong Loi, 25 tuổi, nguyenhongloi@gmail.com)
- Trong quá trình sáng tạo cờ toán có một chuyện rất thú vị là tôi hay lang thang đến các quán giải khát thu lượm những nút chai, nút bia về làm quân cờ. Bạn bè trông thấy tưởng tôi bị dở hơi.
Chuyện thứ hai là tôi trao đổi với một ông bạn thân rằng tôi sẽ sáng tạo ra môn cờ thì ông bạn ấy bảo rằng người ta sáng tạo ra lúa thần tiên, lợn cắt tai..., ông thì lại đi nghĩ ra cái trò cờ bạc (!)
* Chào ông Bảy, Trong cờ tướng, cờ vua có đề cập đến khái niệm cờ thế, cho cháu hỏi trong cờ toán có khái niệm nào tương tự như vậy không ạ? (Phạm Phú Phúc, 24 tuổi, phuphucpham@yahoo.com)
- Trong cờ toán VN người chơi hoàn toàn có thể bày đặt ra nhiều thế cờ bí hiểm.
* Cảm giác khi chơi cờ Toán là như thế nào ạ? Nó có kịch tính như cờ vua hay cờ tuớng không ạ? (Phan Tiến Dũng, 21 tuổi, greenriver_tnt@yahoo.com)
- Có lẽ về kịch tính trong quá trình chơi cờ tướng, cờ vua và cờ toán VN cũng tương tự như nhau. Trong quá trình chơi, rất có thể xảy ra những tình huống vượt ra ngoài tiêu chí "thân thiện, trí tuệ, sáng tạo" nên trên bàn cờ toán VN tôi phảt ghi sáu chữ đó ở đầu bàn cờ.
* Tại sao ông lại không bán bản quyền ạ? (legiao@yahoo.com)
- Ngay từ ban đầu ý tưởng sáng tạo cờ toán VN tôi suy nghĩ có thể đây là quà tặng dành dâng hiến cho đời, cho những người thích chơi cờ nên tôi không thể bán bản quyền cho bất cứ ai.
* Xin bác Bảy vui lòng cho biết hiện nay có khoảng bao nhiêu người biết chơi môn cờ toán của bác? Từ khi báo Tuổi trẻ loan tin về môn cờ mới mẻ này, các cơ quan chức năng ở nước ta đã có hành động cụ thể nào để phổ biến môn cờ toán? Và bác có hài lòng về những động thái đó? (lê bá thi, 50 tuổi, bathinhabaotudo@yahoo.com.vn)
- Hiện nay trên địa bàn TP Bắc Ninh quê tôi, số người biết chơi cờ toán rất ít nhưng ở một số nơi, tuy không thống kê, nhưng chắc chắn có rất nhiều người. Trường THPT Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) đã tổ chức thi đấu giải vô địch cờ toán nhân dịp ngày thành lập Đoàn và các chiến sĩ ở đảo Trường Sa cũng đã tổ chức thi đấu.
Từ năm 2005 đến nay chưa có một cơ quan chức năng nào quan tâm đặt vấn đề phổ biến môn cờ này vào cuộc sống.
*Tôi cũng có tạo mới ra vài loại cờ - 1 trong số đó đã bán ra thị trường. Tôi muốn cộng tác với ông Bẩy để quảng bá các loại cờ mới do Người Việt sáng tạo ra. Nếu được xin ông vui lòng liên hệ với tôi theo địa chỉ 49 NguyễnTrọng Tuyển. Phú Nhuận TP. HCM ( ĐT 2929116, Công ty 1.1.1, Nguyễn Quốc Việt, 45 tuổi, caremwall2000@yahoo.com)
- Tôi rất sẵn sàng cộng tác với ông trong việc sản xuất ra những bộ cờ toán VN và quảng bá sâu rộng trong xã hội. Mời ông liên hệ trực tiếp qua số điện thoại 0241. 824178.
* Bác là người rất đam mê. Bác hãy cho bọn trẻ chúng cháu một lời khuyên về cách chơi, cách nghĩ và cách để đeo đuổi một mục đích, sao cho mình không chán nản, lạc lỏng í ? (Thanhnhan@yahoo.com)
- Theo kinh nghiệm của bác thì dù chơi bất cứ trò chơi nào hoặc suy nghĩ theo đuổi một mục đích lớn lao nào trước hết cháu phải xác định mục tiêu rõ ràng và phải có lòng tự tin, quyết tâm.
*Cháu xin bày tỏ niềm kính phục đến bác. Vì chỉ mới tìm hiểu sơ lược về cách chơi của môn cờ này (qua báo), cháu xin được hỏi thêm bác một số điều sau:
1. Thời gian bình quân cho một ván cờ Toán (tính đến thời điểm mất quân 0)?
2. Thường thì khi xảy ra những trường hợp nào hai bên sẽ đồng ý kết thúc ván cờ (trong trường hợp không bắt được quân 0) để tính điểm của số quân ăn được phân thắng bại cho ván đấu? Xin cám ơn bác và kính chúc sức khỏe. (Võ Duy Chấn, 35 tuổi, vdt000@yahoo.com)
- Trong cờ toán VN có những nước đi, những thế cờ chỉ từ 1 - 2 phút là đã có thể thắng tuyệt đối nếu đối phương không biết cách phòng thủ.
Cờ toán VN có hai trường hợp thắng - thua. Thắng điểm thì gọi là thắng điểm. Bắt được quân 0 thì gọi là thắng tuyệt đối. Điểm của một ván thắng do hai kỳ thủ thỏa thuận với nhau. Có thể 10 điểm, 15 hay 20 điểm hoặc phải tuân thủ theo qui định của Ban tổ chức thi đấu.
* Bác cho cháu hỏi 1 câu về luật chơi: 1. Có phải nếu 2 quân mình nằm kế nhau theo hàng dọc hoặc ngang thì sử dụng phép cộng trừ, còn hàng chéo thì sử dụng nhân chia? Hay là trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể sử dụng 4 phép này?
2. Bác có thể cho một số kinh nghiệm về chọn phép để bắt quân đối phương? (Trần Thanh Giảng, 27 tuổi, steven.giang.tran@gmail.com)
- Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần sử dụng 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia để sử dụng phép bắt quân đối phương.
Việc bắt quân đối phương, trong quá trình thi đấu nên tính toán những phương án sao cho đối phương chạy quân này thì bị bắt quân khác, tương tự như thế cờ "chiếu tướng, bắt xe" trong cờ tướng.
* Thưa ông, vì sao ông không sử dụng các con số từ 0-9 thay vì các chấm như hiện nay? Và nếu có một yêu cầu tới các cơ quan chức năng thì ông sẽ đề nghị điều gì? Xin cảm ơn ông. (Huỳnh Ngọc Duy, 30 tuổi, duy626364@yahoo.com)
- Trên quân cờ tôi sử dụng những dấu chấm để biểu thị những con số từ 0 - 9 vì từ 0-9 là con số latinh và trong quá trình thi đấu sẽ có hiện tượng nhầm lẫn giữa số 6 và 9. Mặt khác, nếu sử dụng số thì mình nhìn thuận nhưng đối thủ nhìn lại ngược. Điều quan trọng là những dấu chấm tròn là biểu tượng nguyên thủy của những con số toán học.
Tôi có một đề nghị duy nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trò chơi này trong hệ thống nhà trường bởi nó rất có ích cho học sinh, sinh viên vừa chơi, vừa học.
* Xin ông cho biết kế hoạch để "quốc tế hoá" cờ toán việt nam. (Nguyễn Ngọc, 57 tuổi, ngngoc50@yahoo.com.vn)
- Kế hoạch của tôi là sẽ hợp tác với một số công ty có đủ điều kiện dịch cách chơi ra tiếng nước ngoài và tạo ra phần mềm để chơi trên mạng hoặc qua điện thoại di động.
* Thưa Bác! Cháu thấy cờ toán của bác rất hay; từ khi đọc báo Tuổi Trẻ là cháu tự tìm hiểu để chơi liền (dân cờ mà). Cách chơi thì cũng đơn giản. Cháu muốn hỏi là Bác chơi lâu như vậy thì có kinh nghiệm để giới thiệu các đòn thế các nước đánh không?
Giờ cháu cũng định mở câu lạc bộ cờ toán ở Huế nhưng thiếu tài liệu để có thể phổ biến một cách bài bản. Bác có thể giới thiệu cho cháu được không? (Trần Hiếu Sơn, 23 tuổi, Bachvanson09@gmail.com)
- Cháu liên hệ với số điện thoại 0241. 824178 và cho bác địa chỉ cụ thể bác sẽ gửi tài liệu vào cho cháu.
* Cho cháu hỏi: - Hình thức bàn cờ như thế nào? (Hien, 26 tuổi, vh_sof@yahoo.com)
- Bàn cờ hình chữ nhật, chiều dọc 11 ô, chiều ngang 9 ô. Ở hai đầu bàn cờ, một đầu có chữ cờ tóan VN, đầu còn lại có chữ "thân thiện, trí tuệ, sáng tạo".
Xếp quân vào ô cuối cùng ở đầu bàn cờ lần lượt từ 1 - 9, từ trái sang phải. Quân số 0 xếp ở hàng ngang trên quân số 5.
Như vậy là hoàn toàn khác với các loại cờ đã có.
* Tôi có người bạn hiện làm việc trong công ty ở Nga và đã thấy đồng nghiệp Nga chơi cờ này từ lâu. Vậy có đúng cờ này của người VN mình sáng tạo ra không vì ngay cả người Nga cũng không biết xuất xứ cờ này? (lâm thi thanh thao, 38 tuổi, lamthao69yahoo.com)
- Bản thân tôi cũng không rõ ở đâu có cờ này hay cờ của tôi đã sang Nga chưa.
Tôi chỉ khẳng định rằng cờ toán VN đã được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền cho tôi từ ngày 15-8-2005.
*Ông cho cháu hỏi một chút về cờ Ngũ hành được không ạ? Bởi vì cách đây vài ngày, cháu đã nghĩ ra một lọai cờ có tên là Âm dương Ngũ hành. Cháu đang định đi xin cấp bản quyền. Nhưng vừa rồi, khi ông trả lời trực tuyến, ông có nhắc tới cờ Ngũ hành.
* Ông có thể giúp cháu, nói cho cháu biết về cờ Ngũ hành mà ông đã chơi được không ạ? (Phạm Anh Tuấn, 23 tuổi, anhtuan0510@yahoo.com)
- Theo ông đã từng chơi, cờ ngũ hành là loại cờ chỉ có 5 nước đi: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Để phân biệt thắng thua, người ta dồn đối phương vào một ô không có lối đi. Nó rất đơn điệu và nhàm chán nên có lẽ không tồn tại trong xã hội lâu dài như cờ tướng, cờ vua.
Về loại cờ của cháu, ông không rõ cách đi quân, cách bắt quân như thế nào và bố cục bàn cờ, quân cờ ra sao nên ông không thể có lời khuyên cụ thể được. Cách tốt nhất, cháu cố gắng hòan chỉnh rồi đem đến Cục Bản quyền tác giả. Ở đấy các cán bộ chuyên môn sẽ giám định và có kết luận cụ thể cho cháu.
* Sao lai quy định là bắt được quân 0 là thắng tuyệt đối dù cho kết quả của các trận trước là như thế nào, như vậy có công bằng không khi cả 2 ván trước thắng trong khi ván này bị bắt quân 0 lại bị xử thua?
Có thể tính nếu bắt quân 0 thì tính thêm nhiều điểm hơn để tính kết quả chung cuộc không? (binhvn@gmail.com) (BÌNH PHẠM, 31 tuổi, binhvn@gmail.com)
- Qui định như vậy vì theo công thức toán học, quân số 0 đứng sau một con số nào đó thì trị số của nó tăng lên gấp 10 lần. Ví dụ 1 có số 0 đứng sau sẽ là 10. 9 có số 0 đứng sau là 90... Đó là qui định luật chơi trong cờ toán VN. Còn trong thi đấu giao hữu thì tùy theo sự thỏa thuận giữa hai kỳ thủ và nếu là thi đấu tranh giải thì phải tuân thủ qui định của Ban Tổ chức.
* Cháu muốn nghe về nghề nặn tượng của Bác? Nặn tượng có liên quan đến toán không, bác làm nghề này là kinh tế chính ạ? Và có đủ sống không ạ? (hhuong@yahoo.com)
- Trước hết, bác xin trả lời cháu rằng nghề nặn tượng liên quan trực tiếp đến toán học và các bộ môn khoa học, kỹ thuật khác. Bác nặn tượng không hoàn toàn vì mục đích kinh tế nhưng bác yêu nghề nặn tượng. Tiếc thay bác không được học hành, đào tạo qua một trường lớp nào.
Bác phải tự học qua các sách báo, tài liệu và quan sát, học lỏm, học "mót" các nhà điêu khắc tài danh, các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống và trong quá trình làm nghề nặn tượng bác cũng có được một số tác phẩm điêu khắc thành công. Đặc biệt là những tác phẩm về lãnh tụ cách mạng, danh nhân văn hóa và những tượng có nội dung văn hóa dân gian.
Những tác phẩm này được Nhà nước sử dụng, được tham gia triển lãm và có nhiều tác phẩm được giải thưởng cao như tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tượng Bác Hồ với cây chì đỏ, tượng chân dung đồng chí Hoàng Quốc Việt đặt tại bảo tàng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao...
* Kính gửi ông Vũ Bảy? Từ khi sáng tạo ra cờ Toán đến nay, chắc là ông đã giao lưu với nhiều người rồi, vậy có ai đã từng đánh thắng ông chưa? Và từ khi ông sáng tạo ra môn cờ này đến nay kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất, và người chơi cờ nào từng chơi với ông làm ông nhớ nhất (Trần Tuấn Anh, 23 tuổi, Trantuananh@tiengiang.gov.vn)
- Riêng về cờ toán VN, cho đến thời điểm này bác chưa gặp một đối thủ nào có thể bắt được của bác quân 1, quân 9 và quân số 0. Đã có người chơi đem máy tính đến để tính toán nhưng vẫn thua bác(cười)
Ấn tượng khó quên nhất là bác được về dự giải vô địch cờ toán VN lần thứ nhất ở trường Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội). Có hai học sinh đọat giải vô địch của hai lứa tuổi, sau khi được bác trao cờ vô địch thì có hai đồng chí cán bộ giới thiệu mình là giáo sư dạy toán cấp 3, đánh giao hữu với hai nhà vô địch trẻ này và kết quả là 3 ván liền thầy giáo dạỵ toán cấp 3 đều bị bắt quân số 0.
* Theo con, ông nên bán bản quyền để lấy 1 triệu USD hoặc hơn để dùng số tiền đó gây quỹ hỗ trợ cho giải cờ toán Việt Nam hay xây nhà dưỡng lão cho các cụ ở quê ông ? Như vậy có được không ông? (Đồng Khởi, 25 tuổi, phule_tutan@yahoo.com.vn)
- Ông không bán bản quyền nhưng vẫn có nhiều phương án để gây quĩ trao giải cờ toán VN và làm nhiều việc từ thiện khác.
* Ông có thể vui lòng đưa ra một số điểm hạn chế của môn cờ Toán (so với cờ tướng, cờ vua) không? Xin cám ơn. (Trần Văn Vĩnh, 32 tuổi, sol@yahoo.com.vn)
- Theo tôi, cờ toán VN không có một hạn chế nào so với cờ tướng và cờ vua ngoại trừ trường hợp không biết làm tính cộng, trừ, nhân, chia, không biết thế nào là tiến, lùi, trái, phải.
*Chúc mừng cựu thủ môn nhà điêu khắc Vũ Văn Bẩy!(thuy.ho@vtc.vn)
-Cám ơn bạn Thuỵ
* Cháu muốn biết thông tin về cớ toán cũng như luật chơi, hay học chơi cờ thì liên hệ với ai ở đâu? (Nguyễn Ngọc hòa, 28 tuổi, mrhoa2001@yahoo.com)
- Liên hệ với bác theo số điện 0241.824178.Việc sản xuất đồng loạt cờ toán VN phục vụ người chơi chậm nhất vào tết âm lịch năm nay sẽ có sản phẩm bán trên thị trường.
*Con trân trọng chào Bác . Con cũng thích toán học.Con đọc hết cuộc giao lưu rồi.Trong lòng con thật xúc động. Xin Bác hãy cho phép báo Tuổi trẻ online được phép tạo một đường dẫn để chúng con có thể tải về máy,nghiên cứu cơ bản tài liệu hướng dẫn chơi cờ toán Việt Nam ạ.Bác sẽ không phải pho to tài liệu để gửi đi ạ. Con cảm ơn Bác. (Nguyễn Duy Hải, 28 tuổi, tduyhair@yahoo.com)
- Nhân dịp báo Tuổi trẻ tạo điều kiện cho tôi giao lưu với các bạn, tôi được biết cuộc giao lưu này có hơn 160 câu hỏi nhưng vì thời gian có hạn nên tôi chỉ có thể trả lời một số câu hỏi cho các bạn.
Tôi sẽ tặng báo Tuổi trẻ một bộ bàn cờ, một bộ luật chơi cờ, đồng thời tôi hướng dẫn qua cách chơi để nếu có dịp các bạn báo Tuổi trẻ sẽ trao đổi, giao lưu với các bạn.
Cuộc giao lưu với tác giả trò chơi cờ toán Việt Nam đã đón nhận 160 ý kiến, thắc mắc của bạn đọc. TTO xin chân thành cám ơn

TTO

Cờ Toán Việt Nam: Khát vọng chinh phục thế giới

Ở dốc Suối Hoa, ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh có một ông già đa tài, đa đoan. Ông là Vũ Văn Bẩy, gần 70 tuổi, người nổi tiếng với tài bắt gôn bóng đá, với nghề nặn tượng, viết văn. Ông cũng là tác giả môn chơi trí tuệ Việt Nam “xịn”: Cờ Toán. Khát vọng của ông là Cờ Toán sẽ chinh phục thế giới, thể hiện Trí tuệ Việt Nam và triết lý sâu sắc về cuộc đời.
Tuổi thơ, chiếc xe đạp và Cờ Toán


 Ông Vũ Văn Bảy
Nhắc lại chuyện tuổi thơ, ông Bẩy cười có phần ngượng nghịu. Ông kể: “Năm 12 tuổi khi vẫn mê mải với những trò chơi khăng, đánh đáo, đánh cờ thì tôi… lấy vợ. Nào đã biết gì đâu về chuyện vợ chồng. Vì ông bố hứa “nếu cưới vợ thì cho cái xe đạp”, thích quá, háo hức quá nên đồng ý thôi”. Khi 19 tuổi, ông trở lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Ông đã phải lăn lộn, làm đủ những công việc nặng nhọc nhất để nuôi 3 đứa con. Thế rồi, cứ mỗi lần nhìn các con lao vào những trò chơi vô bổ như mình ngày nhỏ, ông càng nung nấu suy nghĩ về một trò chơi hữu ích nào đó. Thế rồi những thế cờ Toán mang máng xuất hiện trong đầu ông. Ông bảo, nếu đem “chiếu” theo một lăng kính nào đó thì mọi chuyện trên đời này sẽ đơn giản, bớt nặng nề đi rất nhiều. Vốn thạo chơi cờ tướng, cờ trận, ông nghĩ nếu tất cả các phép tính dù đơn giản hay phức tạp đều được đem ra chơi với nhau thì Toán học sẽ không còn đáng sợ với con trẻ nữa. Lối tư duy ấy, cũng là cách để ông vượt qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời mình.
Lúc đầu, trò chơi cờ Toán của ông chỉ là những phép tính đơn giản dành cho trẻ con, lâu dần có đủ cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ông cũng không biết mình đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thiện trò chơi này. Cứ khi nào nghĩ được một thế cờ, ông lại mày mò cả đêm để thực hành. Ngay bộ quân cờ cũng phải đổi đến lần thứ 3, ông mới ưng ý. Lúc đầu quân cờ được đánh số, nhưng vì số 9 để ngược lại giống với số 6 và ngược lại nên ông chuyển sang sử dụng chữ số La Mã. Thấy cũng không ổn, ông chuyển sang lối dân dã, sử dụng các dấu chấm để biểu trưng cho giá trị của quân cờ. Các sốlẻ thì có chấm ở giữa. Thoạt đầu nhìn cũng hơi rối mắt nhưng chơi vài lần cũng quen. Đến những năm 80 của thế kỷ 20, trò chơi cờ do ông phát minh đã khá hoàn thiện. Ông đặt tên là Cờ Toán Việt Nam.
Hành trình lận đận…
Năm 1982, khi Cờ Toán Việt Nam đã được khá nhiều người biết đến và ưa thích, ông mang đến Uỷ ban khoa học tỉnh Hà Bắc nhờ thẩm định để phổ biến rộng rãi. Ông được giới thiệu lên Uỷ ban khoa học Nhà nước. Tại đây, bộ cờ của ông được giữ lại nghiên cứu. Dù nhận thấy trò chơi rất hay, thú vị nhưng Uỷ ban khoa học Nhà nước cũng không cấp bằng sáng chế cho ông. Đã thế, nhiều người còn nghi ngờ ông học mót ở đâu đó nên cứ hỏi đi hỏi lại rằng “nhà bác có những ai ở nước ngoài?” hay “bác đã đi nước ngoài bao nhiêu lần?”… Theo lập luận của ông các thế cờ chiến lược của Cờ Vua là luỹ thừa 16, Cờ Tướng là luỹ thừa 32 thì Cờ Toán là luỹ thừa của 187 (hiện đã rút xuống luỹ thừa của 87). Không một máy tính nào lúc đó có thể tính được luỹ thừa của 187 nên không ít người cho rằng ông bị… hoang tưởng! Sau đó, vì coi đây là trò chơi nên Cờ Toán của ông được giới thiệu sang bên khoa học xã hội và nhân văn. Thật vui và cũng buồn là nhiều người ở đây đem Cờ Toán ra chơi với nhau rất say mê, quên phéng chuyện cấp “giấy khai sinh” cho đứa con tinh thần của ông.
Không được cấp sáng chế, ông định tìm cách gửi ra nước ngoài để phổ biến. Tuy nhiên khi mang đến cơ quan xuất nhập cảnh, người làm thủ tục bảo: “Nếu chứng minh được đúng như lời bác thì bác sẽ bị tội làm mất bí mật quốc gia đấy”. Hoảng quá ông lại ôm cờ về.
Thế rồi qua rất nhiều thủ tục và hơn 20 năm lận đận, ngày 18-5-2005 Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp giấy chứng nhận bản quyền số 712 cho Cờ Toán của ông. Thật khó diễn tả hết sự sung sướng, hạnh phúc khi ông nhận được tờ “giấy khai sinh” ấy.
Triết lý và khát vọng
Ông Vũ Văn Bẩy cho biết, Việt Nam đã có những truyền thuyết về “Trạng cờ”, và Cờ Toán là sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá, thể thao của dân tộc. Đây là trò chơi trí tuệ nhưng cũng dễ chơi. Từ em nhỏ mới biết cộng trừ đến các giáo sư toán học đều có thể chơi Cờ Toán phù hợp với trình độ của mình. Bất kỳ ai đã biết luật chơi cũng khó dời xa được sức hút của Cờ Toán. Người mới học có thể chỉ chơi cộng, trừ, người khá hơn có thể chơi cả cộng, trừ, nhân, chia. “Cao thủ” hơn có thể chơi theo phép tính mũ, tính thập phân… hay chơi theo hoá trị trên bảng tuần hoàn Menđêlêép… Theo ông Bẩy thì tính cao siêu vô cùng tận, tính dân dã, bác học của Cờ Toán là vậy. Cờ Toán cũng kích thích tư duy tính toán, suy luận nên thực sự là một phương tiện cho học sinh, sinh viên “học mà chơi, chơi mà học” đầy hiệu quả.
Ông Bẩy rất tâm đắc với mục tiêu của Cờ Toán Việt Nam là “thân thiện – trí tuệ và sáng tạo”. Ông bảo rằng, ẩn sau mấy chữ này là một triết lí nhân sinh thật cao cả. Bởi lẽ ở đời cộng và nhân là tất yếu, người ta vơ vào cho mình là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, ở đời cũng phải biết trừ đi của mình, biết chia cho người khác. Vì thế, trong các phép tính để tấn công hay phòng thủ của Cờ Toán, có lúc cộng hay nhân là hay, nhưng có khi phải trừ hay chia mới hiệu quả. Cuộc đời ai chẳng có lúc buồn – vui, nhận – cho, rủi ro – may mắn. Vì thế, chơi Cờ Toán, hiểu được triết lý nhân sinh ấy, sẽ thấy cuộc đời dễ chấp nhận hơn, có ý nghĩa hơn.
Theo ông Vũ Văn Bẩy, thật mừng là từ đầu xuân này, một giải đấu Cờ Toán Việt Nam sẽ được tổ chức thường nên ngay tại… nhà ông. Đó là sự khởi đầu, về lâu dài ông mong muốn Cờ Toán được phổ biến trong tất cả các trường học để giúp các em thích học toán và học có hiệu quả hơn. Với triết lí cuộc đời và cũng vì “Toán học thì ở nước nào chả giống nhau” nên khát vọng của ông là Cờ Toán Việt Nam sẽ chinh phục người chơi trên toàn thế giới.
Hà Phương. ANTĐ
HLV Nguyễn Minh Thắng, Liên đoàn Cờ Việt Nam:
Cờ Toán rất tốt cho phát triển trí tuệ
Cờ Tướng, Cờ Vua, Cờ Vây hiện vẫn có những tranh cãi về nguồn gốc giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, chưa thể khẳng định 100% là có đầu tiên ở nước nào. Thái Lan cũng có môn cờ riêng rất thú vị. Vì thế, nếu Cờ toán chứng minh được tính hấp dẫn, được nhiều người hưởng ứng chơi thì càng hay, bởi đây chắc chắn là cờ của Việt Nam, đã được cấp chứng nhận bản quyền.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, đưa được một môn cờ vào cuộc sống cần rất nhiều thời gian. Khi đã có một số lượng người chơi thường xuyên nhất định thì Liên đoàn Cờ sẽ có những khảo sát để xem xét công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia.
Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về Cờ Toán Việt Nam, nhưng sơ bộ có thể nhận thấy đây là môn cờ rất hay, rất trí tuệ và có độ khó cao. Một em nhỏ chưa biết chữ, chưa biết phép tính cũng có thể chơi Cờ Vua, Cờ Tướng hay Cờ Vây, còn với Cờ Toán, chắc chắn các em phải thuộc các phép tính trong bảng cửu chương thì mới chơi thành thạo được. Vì thế, nếu triển khai sâu rộng được trong hệ thống nhà trường thì rất tốt cho việc rèn luyện tính toán, trí nhớ cho các em.
ĐẶNG THÁI HUYỀN, ANTĐ

Cờ Toán rất tốt cho phát triển trí tuệ

Cờ Tướng, Cờ Vua, Cờ Vây hiện vẫn có những tranh cãi về nguồn gốc giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, chưa thể khẳng định 100% là có đầu tiên ở nước nào. Thái Lan cũng có môn cờ riêng rất thú vị. Vì thế, nếu Cờ toán chứng minh được tính hấp dẫn, được nhiều người hưởng ứng chơi thì càng hay, bởi đây chắc chắn là cờ của Việt Nam, đã được cấp chứng nhận bản quyền.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, đưa được một môn cờ vào cuộc sống cần rất nhiều thời gian. Khi đã có một số lượng người chơi thường xuyên nhất định thì Liên đoàn Cờ sẽ có những khảo sát để xem xét công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia.
Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về Cờ Toán Việt Nam, nhưng sơ bộ có thể nhận thấy đây là môn cờ rất hay, rất trí tuệ và có độ khó cao. Một em nhỏ chưa biết chữ, chưa biết phép tính cũng có thể chơi Cờ Vua, Cờ Tướng hay Cờ Vây, còn với Cờ Toán, chắc chắn các em phải thuộc các phép tính trong bảng cửu chương thì mới chơi thành thạo được. Vì thế, nếu triển khai sâu rộng được trong hệ thống nhà trường thì rất tốt cho việc rèn luyện tính toán, trí nhớ cho các em.
ĐẶNG THÁI HUYỀN, ANTĐ

Ông già và bàn cờ toán 1 triệu USD

Cuối cùng, sản phẩm mang tên cờ toán của ông Vũ Bẩy ở khu Suối Hoa (P.Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng đã được Bộ VH-TT công nhận bản quyền tác giả.
Món cờ toán này kỳ thú tới mức ngay sau đó, có một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã lặn lội tìm tới gặp ông để đòi mua lại bản quyền với cái giá 1 triệu USD.
Cách đây hơn 20 năm, ông Bẩy lóc cóc đạp xe từ Bắc Ninh về Ủy ban Khoa học nhà nước ở Hà Nội để trình làng một sản phẩm rất mới lạ gọi là “cờ toán”.
Thay vì tìm hiểu xem cái sản phẩm của ông như thế nào, nhiều cán bộ của ủy ban này lại xét nét hỏi ông rằng: “Ông có biết tiếng nước ngoài hay không? Đã đi nước ngoài lần nào chưa?”. Ông Bảy thản nhiên bảo: “Tôi chỉ được học hết lớp 7, chẳng biết nước ngoài thế nào”. Hóa ra, họ nghi ông “cuỗm” trí tuệ của người khác, của nước khác rồi về “cải biên” thành cờ toán.
“Đứa con” không được thừa nhận
Họ nghi hoặc ông cũng có lý. Bởi vì theo tính toán, tổng số nước đi của cờ toán là lũy thừa của 87. Đó là một con số khổng lồ mà người chơi cờ không bao giờ có thể chơi hết những nước đi khác nhau như vậy. Ủy ban Khoa học nhà nước lúc ấy phải nhờ các chuyên gia của Liên Xô (cũ) tính toán, nhưng họ cũng không tính được kết quả lũy thừa của 87 là bao nhiêu. Do không tính được số nước cờ, người ta không công nhận sản phẩm của ông.
Lòng ông Bẩy nặng trĩu. Ông mang sản phẩm trí tuệ của mình đến một tờ báo dành cho trẻ em, đề nghị báo đăng để học sinh cả nước biết. Báo lên khuôn rồi, chẳng may giáo sư Trần Quốc Vượng (đã quá cố) tình cờ thấy được, liền hỏi biên tập viên là thứ cờ này đã đăng ký bản quyền chưa, nếu chưa thì đừng cho đăng. Bởi ông sợ nếu đăng thì chất xám của ông Bẩy sẽ bị đánh cắp ngay lập tức. Báo lại bóc ra.
Năm 1988, con trai ông Bẩy đi Liên Xô. Ông bảo anh ta mang sang đó dịch ra tiếng Nga để mọi người chơi cho khỏi phí. Nhưng khi đến Cục Xuất cảnh trình bày, anh công an bảo: “Nếu có vấn đề gì thì bác sẽ phạm tội bán tài sản trí tuệ quốc gia”. Ông hoảng quá, lại thôi. Đi bao nhiêu cơ quan, cơ quan nào cũng từ chối mà ông cũng không biết phải đem trình cơ quan nào.
Món cờ của ông đành phải cất vào ngăn tủ, cho đến khi nghe Nhà nước thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về bản quyền, ông Bẩy lại hớn hở đem cờ toán đi trình làng, định là lần cuối, không được thì thôi. Thật bất ngờ, tháng 5-2005, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT) chính thức công nhận sản phẩm trí tuệ do ông nghĩ ra. Ông Bẩy vui như đào được vàng ròng, hóm hỉnh bảo: “Sau 20 năm, “con” tôi mới được “cấp giấy khai sinh”. Thế là cờ toán đã có bản quyền, không sợ bị ai đánh cắp”.
Ngay sau khi món cờ toán của ông được cấp bản quyền, một tờ báo ở Hà Nội đã đặt vấn đề bán đấu giá sở hữu trí tuệ với giá khởi điểm là 1 triệu USD. Biết tin này, một chuyên gia về cờ ở Trung Quốc đã thuê phiên dịch viên tìm đến tận nhà ông ở Bắc Ninh, đề nghị trả 1 triệu USD để mua lại bản quyền và nói rằng sẵn sàng trả hơn nếu có người khác trả nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Bẩy không chấp nhận bởi điều kiện của chuyên gia người Trung Quốc đưa ra là phải thay các dấu chấm tròn trên mặt quân cờ bằng các chữ: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, cửu.
Đồng thời, phải thay tên “cờ toán VN” bằng cờ toán quốc tế. “Tôi không muốn để người ta thay tên gọi vì khi sáng tạo món cờ này, điều thôi thúc tôi là phải sáng tạo ra một thứ cờ của VN, mang nguồn gốc VN. Tôi cũng không bán bởi họ mua nó với ý định thương mại hóa. Nếu họ mua để phổ biến thì tốt, còn ngược lại tôi cũng chẳng cần. Bao năm nay tôi vẫn sống bằng nghề nặn tượng và vẫn đủ sống” - ông Bẩy bộc lộ quan điểm. Ông nói thêm: “Cái mà tôi cần bây giờ là bằng cách nào, phương tiện ra sao để phổ biến cho nhiều người chơi cờ toán một cách hiệu quả, để tôi khỏi tốn tiền photo các bài hướng dẫn”.
Chuyện là, từ khi món cờ toán của ông được công khai thì mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm người ở quanh TP Bắc Ninh và khắp các tỉnh trong cả nước gửi thư, gọi điện cho ông xin được gửi bản photo hướng dẫn cách chơi, luật chơi cờ toán. Ông đã tốn cả bạc triệu để gửi các hướng dẫn cho người hâm mộ nhưng vẫn không xuể.
Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch trình Bộ GD-ĐT đưa món cờ toán của ông vào thành môn học cho học sinh ở Bắc Ninh. Trong tháng bảy này, UBND tỉnh Bắc Ninh dự định mở một hội thảo về cờ toán của ông Vũ Bẩy. Các chuyên gia của Ủy ban Thể dục thế thao VN cũng đã gặp ông và hứa sẽ phát triển môn cờ toán ra cả nước.
Ván cờ và triết lý xã hội
Bàn cờ toán do Vũ Bẩy thiết kế, sáng tạo đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả sau 20 năm chờ đợi
“Người Việt từ xưa đến nay vẫn chơi cờ tướng. Nhưng cờ tướng là của người Trung Quốc. Rồi người ta chơi cờ vua. Cờ vua cũng là môn cờ du nhập. Chẳng lẽ chúng ta không có một loại cờ của riêng ta? Lúc đó tôi nghĩ có thể dùng các con số để tính toán cho một ván cờ được không? Thế là tôi bắt đầu bỏ thời gian để nghiên cứu về một thứ cờ gọi là cờ toán, để làm sao khi chơi cờ, người chơi phải vận dụng các kiến thức về toán học, đồng thời nó còn giúp khả năng toán học của người chơi được tốt lên” - ông Bẩy tâm sự.
Nung nấu từ những năm 1970, đến tận những năm 1980 ông mới hoàn thành được luật chơi cờ toán. Từ vị trí xếp quân cho tới giá trị mỗi quân hay cách bắt quân... ông đều phải sửa đi sửa lại hàng chục lần.
Theo ông, để đi một nước cờ toán thì phải vận dụng một trong bốn phép tính: cộng, trừ, nhân, chia. Do phải sử dụng cách chơi phối hợp cả bốn phép tính, nên tổng số nước đi của một ván cờ toán là lũy thừa của 87 (8787). Trong khi đó, tổng số nước đi của cờ tướng chỉ là lũy thừa của 32, còn cờ vua là lũy thừa của 16). Lũy thừa của 87 là một con số mà “không biết bao nhiêu đời người mới có thể đi hết từng ấy nước đi” - ông khẳng định. Cờ toán vừa dân dã, vừa bác học là vì thế.
Ông Bẩy còn gửi vào cờ toán một triết lý nhân sinh: “Khi chơi cờ toán, nó không chỉ giúp người ta tính toán mà còn dạy cho người ta phải biết lẽ sống. Tính cách từng người sẽ được thể hiện qua ván cờ toán. Người tham lam thì chỉ thích cộng, thích nhân. Nhưng cứ nhân, cứ cộng mãi cũng thất bại (thua). Cái đó cũng giống như ở đời: lá lành phải biết đùm lá rách, phải biết chia sẻ cho người khác”.
Đặc biệt, theo ông, cái này mới là độc đáo: quân số 0 (đứng yên một chỗ, không được di chuyển). Tất cả các quân còn lại 1-9 đều có nhiệm vụ công thủ ngang nhau và có một trách nhiệm chung là bảo vệ quân số 0. Trong cờ vua và cờ tướng, khi mất vua hoặc tướng là bị thua. Tuy nhiên, cờ toán lại khác cờ tướng, cờ vua ở chỗ: quân số 0 là dân chứ không phải tướng hay vua, và khi để dân bị đối phương bắt, người chơi sẽ bị thua tuyệt đối.
TT